Thời hạn và mức tiền bảo hành công trình nhà ở riêng lẻ. Các bên có được thỏa thuận về mức tiền bảo hành công trình xây dựng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Con tôi hợp đồng với 1 công ty tư nhân về xây dựng để xây nhà ở trên đất có chủ quyền hợp pháp do con tôi đứng tên tại Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức. Hình thức hợp đồng là khoán toàn bộ chi phí vật tư và nhân công với tổng giá trị là 1.100.000 đồng. Bên công ty cam kết bảo hành công trình trong 12 tháng và số tiền để lại là 20.000.000 đ. Tôi xin hỏi là thời gian và số tiền bảo hành như vậy có đúng với qui định của nhà nước không.?
Luật sư tư vấn:
Điều 35
“1. Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về việc bảo hành đối với phần công việc do mình thực hiện.
2. Thời gian bảo hành đối với hạng mục công trình, công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp được tính kể từ khi nghiệm thu theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 31 Nghị định này và được quy định như sau:
a) Không ít hơn 24 tháng đối với công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I;
b) Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp còn lại;
c) Riêng đối với nhà ở, thời gian bảo hành theo quy định của pháp luật về nhà ở.
3. Thời gian bảo hành đối với các thiết bị công trình, thiết bị công nghệ được xác định theo hợp đồng xây dựng nhưng không ngắn hơn thời gian bảo hành theo quy định của nhà sản xuất và được tính kể từ khi nghiệm thu hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.
4. Tùy theo điều kiện cụ thể của công trình, chủ đầu tư có thể thỏa thuận với nhà thầu về thời gian bảo hành riêng cho một hoặc một số hạng mục công trình hoặc gói thầu thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị ngoài thời gian bảo hành chung cho công trình theo quy định tại Khoản 2 Điều này, nhưng không ít hơn thời gian bảo hành quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này.
5. Đối với các hạng mục công trình trong quá trình thi công có khiếm khuyết về chất lượng hoặc xảy ra sự cố đã được nhà thầu sửa chữa, khắc phục thì thời gian bảo hành của các hạng mục công trình này có thể kéo dài hơn trên cơ sở thỏa thuận giữa chủ đầu tư với nhà thầu thi công xây dựng trước khi được nghiệm thu.
6. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; thời hạn bảo hành công trình xây dựng, thiết bị công trình, thiết bị công nghệ; mức tiền bảo hành; việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành và việc thay thế tiền bảo hành công trình xây dựng bằng thư bảo lãnh bảo hành của ngân hàng có giá trị tương đương. Các nhà thầu nêu trên chỉ được hoàn trả tiền bảo hành công trình hoặc giải tỏa thư bảo lãnh bảo hành sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.
7. Đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, mức tiền bảo hành tối thiểu được quy định như sau:
a) 3% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp đặc biệt và cấp I;
b) 5% giá trị hợp đồng đối với công trình xây dựng cấp còn lại;
c) Mức tiền bảo hành đối với công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo các mức tối thiểu nêu tại Điểm a và Điểm b Khoản này để áp dụng.”
Thông tin bạn cung cấp, hợp đồng thi công của bạn là thi công nhà ở riêng lẻ gắn liền trên đất, theo đó Điều 85 Luật Nhà ở 2014 quy định về bảo hành nhà ở quy định:“
“Điều 85. Bảo hành nhà ở
[…]
2. Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
a) Đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng;
b) Đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
3. Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.”
Như vậy, về thời hạn bảo hành mà bên thi công thỏa thuận với bạn (12 tháng) là không đúng với quy định của pháp luật. Đối với mức tiền bảo lãnh chỉ được quy định mức tối thiểu đối với công trình sử dụng vốn nhà nước, và các công trình sử dụng vốn khác có thể tham khảo theo công trình vốn nhà nước để áp dụng nhưng không bắt buộc. Theo đó, đối với công trình xây dựng nhà ở, bạn và bên thi công có thể tự mình thỏa thuận về khoản tiền bảo hành để áp dụng.
1. Trách nhiệm của các bên về bảo hành công trình xây dựng
Trách nhiệm của các bên về bảo hành công trình xây dựng được quy định tại Điều 35 Nghị định 15/2013/NĐ-CP, cụ thể như sau:
1. Chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Vận hành, bảo trì công trình theo đúng quy định của quy trình vận hành, bảo trì công trình;
b) Kiểm tra, phát hiện hư hỏng của công trình để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình sửa chữa, thay thế;
c) Giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa chữa của nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình xây dựng;
d) Xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình.
2. Nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm sau đây:
a) Tổ chức khắc phục ngay sau khi có yêu cầu của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng công trình và phải chịu mọi chi phí khắc phục;
b) Từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng.
3. Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình và các nhà thầu khác có liên quan chịu trách nhiệm về chất lượng công trình tương ứng với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.
2. Quy định của Luật nhà ở về bảo hành nhà ở
Nhà ở là công trình xây dựng với mục đích để ở và phục vụ các nhu cầu sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân.
Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và những quy định về bảo hành nhà ở theo quy định tại Điều 85 Luật nhà ở.
Theo đó, tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có trách nhiệm bảo hành nhà ở theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 85 Luật nhà ở. Bên bán, bên cho thuê mua nhà ở có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân thi công xây dựng, cung ứng thiết bị thực hiện trách nhiệm bảo hành theo quy định của pháp luật.
Nhà ở được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn như sau:
Thứ nhất, đối với nhà chung cư thì tối thiểu là 60 tháng.
Thứ hai, đối với nhà ở riêng lẻ thì tối thiểu là 24 tháng.
Nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp chất đốt, hệ thống cấp điện sinh hoạt, cấp điện chiếu sáng, bể nước và hệ thống cấp nước sinh hoạt, bể phốt và hệ thống thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở.
Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
3. Trách nhiệm bảo hành công trình xây dựng
Tóm tắt câu hỏi :
Thưa luật sư !
Tôi có chuyện rắc rối rất mong được Luật sư tư vấn giúp đỡ!
Tháng 6/2014 tôi có thay mặt một số nhân công lao động ký một hợp đồng làm thuê nhân công xây dựng đê biển tại Nam Định cho Công ty cổ phần Lochsa có trụ sở tại Hà Nội với trị giá hợp đồng là 26 tỷ đồng. Sau hơn 3 tháng vượt qua 2 cơn bão và 3 áp thấp chúng tôi đã làm hoàn thành phần móng dưới biển (đây là hạng mục khó khăn nhất và cũng đã qua mùa bảo), đã được Chủ đầu tư nghiệm thu thanh toán giai đoạn cho Lochsa (riêng sản lượng hợp đồng chúng tôi đạt 6 tỷ đồng). Lúc đó Lochsa đã có tiền họ không cần chúng tôi nữa, họ mua máy, thuê máy tự làm lấy. Theo thỏa thuận hợp đồng thì họ phải ứng vốn cho chúng tôi 40% và sau khi được thanh toán giai đoạn sẽ thanh toán 80% giá trị hoàn thành, nhưng Lochsa không thực hiện cam kết tài chính nhằm buộc chúng tôi phải rời khỏi công trình. Với chúng tôi điều ấy không sao chỉ cần Lochsa thanh toán khối lượng đã làm và đã được nghiệm thu là đủ nhưng đến khi thanh toán thì có chuyện phát sinh:
– Theo hợp đồng thì nhân công không có điều khoản bảo hành công trình, càng không có tỷ lệ % bảo hành nhưng khi làm quyết toán họ tự ý trừ 10% gọi là bảo hành, đến bao giờ mới trả thì không rõ.
– Theo hợp đồng và phụ lục hợp đồng không ghi “đơn giá đã bao gồm thuế”, điều kiện thanh toán chỉ yêu cầu giá trị hoàn thành được nghiệm thu, không ghi phải có hóa đơn thuế nhưng khi thanh toán họ tự ý trừ 10% gọi là thuế mà không thảo luận gì với chúng tôi.
Chúng tôi không chấp nhận việc thanh toán tùy tiện như vậy, đã nhiều lần đề nghị (bằng văn bản) được thảo luận thanh toán bình đẳng nhưng không được chấp nhận (Phớt, không tiếp, không nghe điện thoại, không trả lời đơn đề nghị…).
Thưa luật sư: Chúng tôi những người lao động sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện không trọng tâm, chỉ xin Luật sư giúp đỡ:
– Trường hợp như tôi vừa trình bày ở trên: Việc đơn phương trừ bảo hành và trừ thuế vào tiền công lao động ngoài thỏa thuận hợp đồng như vậy có đúng luật không?
– Nếu Lochsa không làm việc bình đẳng với chúng tôi thì những người lao động chúng tôi sẽ phải làm gì để tìm lại công bằng?
Chúng rất mong sự giúp đỡ của Luật sư và cơ quan. Mong sớm nhận được tư vấn pháp luật. Chúng tôi xin chân thành cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Thứ nhất: Vấn đề bảo hành
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đứng ra nhận công trình và ký kết hợp đồng với Công ty Lochsa thực hiện toàn bộ công trình, tuy nhiên sau khi hoàn thành giai đoạn của phần móng công tình dưới biển, bên Lochsa tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng với bên bạn và người lao động đồng thời yêu cầu bảo hành đối với phần mà chủ đầu tư đã nghiệm thu.
Vấn đề bảo hành được quy định tại Điều 34 Nghị định 15/2013/NĐ-CP:
Điều 34. Bảo hành công trình xây dựng
1. Nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị. Thời hạn bảo hành công trình kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình, hạng mục công trình vào sử dụng hoặc căn cứ theo quy định của Hợp đồng xây dựng, Hợp đồng cung ứng thiết bị nhưng phải tuân theo quy định sau:
a) Không ít hơn 24 tháng đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I;
b) Không ít hơn 12 tháng đối với các công trình cấp còn lại;
c) Thời hạn bảo hành công trình nhà ở thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở.
2. Trong thời hạn bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng và nhà thầu cung ứng thiết bị công trình phải thực hiện việc bảo hành sau khi nhận được thông báo của chủ đầu tư. Nếu các nhà thầu nêu trên không tiến hành bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa.
3. Chủ đầu tư phải thỏa thuận trong hợp đồng với các nhà thầu tham gia xây dựng công trình về quyền và trách nhiệm của các bên trong bảo hành công trình xây dựng; mức tiền bảo hành và việc lưu giữ, sử dụng, hoàn trả tiền bảo hành theo quy định của pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.
Đồng thời giá trị bảo hành được quy định tại khoản 2 Điều 45 Nghị định 48/2010/NĐ-CP: ” 2. Bảo hành
a) Bên nhận thầu có trách nhiệm bảo hành công trình, bảo hành thiết bị theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Việc bảo hành công trình được quy định như sau:
– Đối với công trình cấp đặc biệt và cấp I: thời hạn bảo hành không ít hơn 24 tháng kể từ ngày chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, mức bảo hành là 3% giá trị hợp đồng.
– Đối với các công trình còn lại: thời hạn bảo hành không ít hơn 12 tháng, mức bảo hành là 5% giá trị hợp đồng.
b) Bảo đảm bảo hành có thể thực hiện bằng hình thức bảo lãnh hoặc hình thức khác do các bên thỏa thuận;
c) Bên nhận thầu chỉ được hoàn trả bảo đảm bảo hành công trình sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành;
d) Trong thời hạn bảo hành, bên nhận thầu phải thực hiện việc bảo hành trong vòng hai mốt (21) ngày kể từ ngày nhận được thông báo sửa chữa của bên giao thầu; trong khoảng thời gian này, nếu bên nhận thầu không tiến hành bảo hành thì bên giao thầu có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác sửa chữa.”
Như vậy, đối chiếu với quy định của pháp luật, nhận thấy rằng bên bạn chỉ phải bảo hành trong trường hợp công trình đã được nghiệm thu vào sử dụng hoặc trong hợp đồng có thỏa thuận và mức bảo hành có thể là 3% hoặc 5% giá trị hợp đồng dựa trên quy định nêu trên. Trường hợp của bạn nếu hợp đồng không có thỏa thuận khác mà do bên Công ty Lochsa tự ý đơn phương chấm dứt hợp đồng nên vấn đề bảo hành không được đặt ra. Theo đó, trách nhiệm bảo hành được đặt ra giữa Công ty Lochsa và chủ đầu tư.
Thứ hai: Vấn đề thuế của người lao động
Trước tiên bạn cần xác định hợp đồng lao động giữa người lao động với Công ty Lochsa là thời vụ dưới 03 tháng hay từ 03 tháng trở lên. Đối với người lao động có ký kết hợp đồng lao động dưới 03 tháng hoặc không ký hợp đồng thì khi trả thu nhập cho người lao động thì doanh nghiệp cần tiến hành khấu trừ 10% trên tổng mức thu nhập từ 2.000.000 đồng/lần trở lên.
Lưu ý: Theo quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC, trường hợp người lao động mà đơn vị bạn nhận thi công công trình có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên, tuy nhiên nếu người lao động ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm bản cam kết thu nhập theo mẫu 23/CK-TNCN gửi Công ty Lochsa – đơn vị trả thu nhập để làm căn cứ chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân, đồng thời người lao động làm bản cam kết cần có mã số thuế cá nhân.
Nếu người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên, yêu cầu doanh nghiệp trả thu nhập thực hiện khấu trừ theo Biểu thuế lũy tiến từng phần.
Thứ ba: Giải quyết trường hợp tranh chấp hợp đồng
Nếu sau khi tiến hành làm đơn đề nghi và trải qua bước hòa giải mà không thành hoặc không thể hòa giải, để đảm bảo cho quyền và lợi hợp pháp của bạn những người lao động cần tiền hành làm thủ tục khởi kiện ra Tòa án cấp quận (huyện) nơi công ty có trụ sở chính để giải quyết.
4. Thời hạn bảo hành nhà ở riêng lẻ là bao nhiêu lâu?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi có một vấn đề cần tư vấn như sau. Tôi mới mua một căn nhà riêng lẻ trên phố Cát Linh. Tôi mua thì nhà chưa có sổ hồng. Bên bán nói là sẽ bảo hành cho tôi 12 tháng? Nếu bảo hành chỉ 12 tháng thì đã đúng hay chưa? Mong Luật sư tư vấn!
Luật sư tư vấn:
Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập.
Tổ chức, cá nhân thi công xây dựng nhà ở phải bảo hành nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng; tổ chức, cá nhân cung ứng thiết bị nhà ở phải bảo hành thiết bị theo thời hạn do nhà sản xuất quy định.
Theo quy định của Luật nhà ở 2014 nếu như bên bạn và bên bán có giao kết mua bán nhà ở riêng lẻ thì nhà ở đó sẽ được bảo hành kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng với thời hạn tối thiểu là 24 tháng.
Trong đó nội dung bảo hành nhà ở bao gồm sửa chữa, khắc phục các hư hỏng khung, cột, dầm, sàn, tường, trần, mái, sân thượng, cầu thang bộ, các phần ốp, lát, trát, hệ thống cung cấp c thoát nước thải, chất thải sinh hoạt, khắc phục các trường hợp nghiêng, lún, nứt, sụt nhà ở và các nội dung khác theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở. Đối với các thiết bị khác gắn với nhà ở thì bên bán, bên cho thuê mua nhà ở thực hiện bảo hành sửa chữa, thay thế theo thời hạn quy định của nhà sản xuất.
Vậy, nếu thời hạn mà bên bán đưa ra cho bạn là 12 tháng là chưa đúng với quy định của pháp luật.
5. Xử lý vi phạm trong thời gian bảo hành công trình xây dựng
Tóm tắt câu hỏi:
Nội dung câu hỏi: – Công ty tôi có HĐ xây dựng công trình: Đình Làng , chúng tôi đã bàn giao công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 22/8/2015, thời gian BH công trình là 12 (22/8/2015-21/8/2016) trong thời gian chưa hết BH thì bên chủ đầu tư có những việc xảy ra như sau: – Tháng 8/2016 chủ đầu tư có quyết định thanh kiểm tra gì đó nên chủ đầu tư cho người đào móng đình làng lên để kiểm tra ( đào 3 điểm sát móng sâu đến hết móng công trình, khoảng cách cách vị trí đào là 2 m/ điểm sâu 1m). chủ đầu tư không báo cho bên đơn vị thi công mà tự ý đào – Vào thời điểm sau khi đào kiểm tra thì xong thì gặp thời tiết mưa to (thực địạ trên vị trí xây dựng là đất bãi bồi ven sông) hiện nay tại vị đào đất kiểm tra đó có xuất hiện tách tường – Thiết kế công trình chiều dài 12.5m, rộng 8.4m, cao 6.2m * Hỏi : Chủ đầu tư có sai không, đơn vị thi công phải làm như thế nào? rất gấp , xin cảm ơn?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng công tác khảo sát xây dựng:
“1. Nhà thầu khảo sát có trách nhiệm bố trí đủ người có kinh nghiệm và chuyên môn phù hợp để thực hiện khảo sát theo quy định của hợp đồng xây dựng; cử người có đủ điều kiện năng lực để làm chủ nhiệm khảo sát và tổ chức thực hiện biện pháp kiểm soát chất lượng quy định tại phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng.
2. Tùy theo quy mô và loại hình khảo sát, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức giám sát khảo sát xây dựng theo các nội dung sau:
a) Kiểm tra năng lực thực tế của nhà thầu khảo sát xây dựng bao gồm nhân lực, thiết bị khảo sát tại hiện trường, phòng thí nghiệm (nếu có) được sử dụng so với phương án khảo sát xây dựng được duyệt và quy định của hợp đồng xây dựng;
b) Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện khảo sát xây dựng bao gồm: Vị trí khảo sát, khối lượng khảo sát, quy trình thực hiện khảo sát, lưu giữ số liệu khảo sát và mẫu thí nghiệm; kiểm tra thí nghiệm trong phòng và thí nghiệm hiện trường; kiểm tra công tác đảm bảo an toàn lao động, an toàn môi trường trong quá trình thực hiện khảo sát.
3. Chủ đầu tư được quyền đình chỉ công việc khảo sát khi phát hiện nhà thầu không thực hiện đúng phương án khảo sát đã được phê duyệt hoặc các quy định của hợp đồng xây dựng.”
Đồng thời theo quy định tại Điều 36 Nghị định 46/2015/NĐ-CP về việc thực hiện bảo hành công trình xây dựng:
“1. Trong thời gian bảo hành công trình xây dựng, khi phát hiện hư hỏng, khiếm khuyết của công trình thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình thông báo cho chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành.
2. Nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu cung ứng thiết bị thực hiện bảo hành phân công việc do mình thực hiện sau khi nhận được thông báo yêu cầu bảo hành của chủ đầu tư, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình đối với các hư hỏng phát sinh trong thời gian bảo hành và phải chịu mọi chi phí liên quan đến thực hiện bảo hành.
3. Nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị có quyền từ chối bảo hành trong các trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh không phải do lỗi của nhà thầu gây ra hoặc do nguyên nhân bất khả kháng; Trường hợp hư hỏng, khiếm khuyết phát sinh do lỗi của nhà thầu mà nhà thầu không thực hiện bảo hành thì chủ đầu tư có quyền sử dụng tiền bảo hành để thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện bảo hành. Chủ đầu tư hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định về vận hành, bảo trì công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng công trình.
4. Chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra, nghiệm thu việc thực hiện bảo hành của nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị.
5. Xác nhận hoàn thành việc bảo hành công trình xây dựng:
a) Khi kết thúc thời gian bảo hành, nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị lập báo cáo hoàn thành công tác bảo hành gửi chủ đầu tư. Chủ đầu tư có tránh nhiệm xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu bằng văn bản;
b) Chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tham gia xác nhận hoàn thành bảo hành công trình xây dựng cho nhà thầu thi công xây dựng công trình và nhà thầu cung ứng thiết bị khi có yêu cầu của Chủ đầu tư.
6. Nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng công trình, nhà thầu thi công xây dựng công trình, nhà thầu cung ứng thiết bị công trình và các nhà thầu khác có liên quan chịu trách nhiệm về chất lượng đối với phần công việc do mình thực hiện kể cả sau thời gian bảo hành.”
Có thể thấy trong thời gian bảo hành công trình thì chủ đầu tư hoàn toàn có quyền tiến hành hoạt động kiểm tra đối với công trình xây dựng, tuy nhiên hoạt động kiểm tra này chỉ được tiến hành khi bố trí người có kinh nghiệm, chuyên môn hoặc tổ chức chuyên về đánh giá chất lượng công trình và hoạt động này cũng chỉ được tiến hành bằng việc khảo sát tại hiện trường hoặc trong phòng kỹ thuật với các thiết bị chuyên môn. Trong trường hợp này, nếu chủ đầu tư không thực hiện theo quy định trên khi kiểm tra công trình hoặc có thực hiện nhưng việc kiểm tra và lý do bất khả kháng là thời tiết đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công trình mà bên thi công chứng minh được điều này thì bên thi công có quyền từ chốii việc bảo hành, bởi lí do gây ra thiệt hại đối với công trình không phải là do hoạt động thi công gây ra mà nó là hậu quả trực tiếp của việc kiểm tra công trình của nhà đầu tư.