Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Khai thác cát trái phép bị xử phạt như thế nào?
Thẩm quyền của Ủy ban nhân dân xã về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Khai thác cát trái phép bị xử phạt như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa Luật sư! Có trường hợp lãnh đạo UBND cấp xã khi tuần tra việc khai thác khoáng sản trên khu vực mình quản lý phát hiện có trường hợp khai thác cát trái phép, sau đó chỉ đạo Công an xã lập biên bản tạm giữ phương tiện. Vậy cho hỏi thẩm quyền của Công an xã có được phép tạm giữ phương tiện là xe công nông 2m3 khi bắt quả tang khai thác cát trái phép không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
– Căn cứ Khoản 1 Khoản 4 Điều 37 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm các quy định khác trong khai thác khoáng sản như sau:
"Điều 37. Vi phạm các quy định khác trong khai thác khoáng sản
1. Phạt tiền đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp mà không có Giấy phép khai thác khoáng sản, cụ thể như sau:
a) Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác đến 5 m3/ngày;
b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 5 m3 đến dưới 10 m3/ngày;
c) Từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 10 m3 đến dưới 15 m3/ngày;
d) Từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 15 m3 đến dưới 20 m3/ngày;
đ) Từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 20 m3 đến dưới 25 m3/ngày;
e) Từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng khi khai thác với khối lượng khoáng sản khai thác từ 25 m3/ngày trở lên."
…
"4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản; tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) tháng đến 12 (mười hai) tháng đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác khoáng sản từ 06 (sáu) đến 12 (mười hai) tháng đối với trường hợp khai thác vượt quá 100% công suất nêu tại Khoản 3 Điều này."
Như vậy, đối với hành vi khai thác cát trái phép thì phụ thuộc vào khối lượng khoáng sản khai thác mà áp dụng mức xử phạt theo quy định tại Khoản 1 Nghị định 142/2013/NĐ-CP nêu trên. Ngoài ra, đối với hành vi khai thác cát trái phép thì bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: tịch thu toàn bộ tang vật là khoáng sản, tịch thu phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Căn cứ Điều 45 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp như sau:
"Điều 45. Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các Điểm c, e và Điểm i Khoản 3 Điều 2 Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 250.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước; phạt tiền đến 1.000.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định này."
Như vậy, căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 45 Nghị định 142/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp nêu trên, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng.