Tai nạn ô tô dẫn đến chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Quy định về bồi thường thiệt hại khi xâm phạm tính mạng của người khác.
Tai nạn ô tô dẫn đến chết người bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Quy định về bồi thường thiệt hại khi xâm phạm tính mạng của người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Tôi có một vấn dề mong được luật sư tư vấn tôi là nhân viên taxi. Trên dường chở khách về qua đoạn đường có phân làn đường cả làn giữa là nét đứt vì đêm khuya vắng người tôi lách 2 xe máy để vượt và có lấn sang phần làn bên kia một ít xong tôi về làn ngay. Khi tôi về làn đươc một lúc thì có một chiếc mô tô đi ngược chiều trong tình trạng uống bia đi từ làn xe máy sang làn ô tô rồi lao thẳng vào tôi với tốc độ nhanh dẫn đến tử vong tại chỗ (tốc độ của tôi khoảng 50-60 trong thị xã). Gia đình tôi cũng đã hỗ trợ mai táng hương khói đưa gia đình nạn nhân 15tr dồng. Xin hỏi trong vụ việc này tôi có phải bồi thường không? Ra pháp luật tôi có bị gì không? Hãng taxi của tôi có phải hỗ trợ sửa xe cho tôi không. Xin ý kiến
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 91/2015/TT-BGVT Quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông thì vận tốc tối đa cho phép của xe ô tô trên đường bộ trong khu vực đông dân cư là 60km/h với đường đôi (có giải phân cách ở giữa); đường một chiều có từ 2 làn xe cơ giới trở lên hoặc 50km/h với đường hai chiều không có giải phân cách ở giữa; đường một chiều có 1 làn xe cơ giới. Theo quy định này thì trong trường hợp của bạn vận tốc tối đa cho phép đối với xe của bạn là 60km/h. Bạn đi đúng làn đường giành cho xe ô tô và vận tốc xe của bạn từ 50-60km/h, do đó, bạn không vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Nhưng còn những quy định khác của Luật giao thông đường bộ bạn không nói rõ bạn có vi phạm không nên có hai trường hợp sau: Việc người điều khiển xe mô tô trong tình trạng uống bia, như vậy, người điều khiển mô tô có thể đã vượt quá nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển xe mô tô (nồng độ cồn cho phép đối với người điều khiển xe mô tô là dưới 50 mg/100ml máu hoặc dưới 0.25 mg/l khí thở). Xe mô tô đi ngược chiều đi từ làn xe máy sang làn ô tô thì đã vi phạm Luật giao thông đường bộ.
Trường hợp 1: Nếu bạn điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về an toàn giao thông đường gây tai nạn dẫn đến chết người.
Theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định."
Trong trường hợp này bạn có nghĩa vụ bồi thường ngoài hợp đồng theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 202 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung 2009.
"Điều 202. Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậy quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Điều 600 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 600. Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra
Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định trên thì hãng taxi phải bồi thường thiệt hại do nhân viên của hãng gây ra trong khi thực hiện công việc mà hãng taxi giao. Nếu bạn có lỗi khi gây ra thiệt hại thì hãng taxi có quyền yêu cầu bạn phải hoàn trả nhưng bạn không có lỗi nên hãng taxi không có quyền yêu cầu bạn hoàn trả.
Trường hợp 2: Trong trường hợp bạn không có lỗi thì sẽ không phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.