Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội không? Quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội không? Quy định về tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư mong các vị tư vấn giúp về trường hợp: Cán bộ công chức viên chức đã là biên chế chính thức tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự thì các chế độ bảo hiểm, lương như thế nào? Sau khi hoàn thành nghĩa vụ được hưởng những chế độ và quyền lợi gì, có được hưởng các chế độ chiến sĩ ra quân bình thường?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Về chế độ Bảo hiểm.
Căn cứ Khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
“Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”. Như vậy, trong trường hợp đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội”.
Và Khoản 1 Điều 7 Thông tư 95/2016/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ quy định:
“a) Thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội để làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
b) Trường hợp trước khi nhập ngũ, có thời gian làm việc, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, nếu xuất ngũ về địa phương thì được cộng nối thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội trước đó với thời gian tại ngũ để tính hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định và do bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng giải quyết.
c) Trường hợp trước khi nhập ngũ có thời gian làm việc, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, sau đó xuất ngũ về cơ quan cũ hoặc các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cơ sở kinh tế thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì được cộng thời gian trước đó với thời gian tại ngũ và thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để làm cơ sở tính hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định. Cụ thể như sau:
Tổng thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội = Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan, tổ chức bên ngoài Quân đội (trước khi nhập ngũ) + Thời gian phục vụ tại ngũ + Thời gian đóng bảo hiểm xã hội tại cơ quan, tổ chức bên ngoài Quân đội (sau khi xuất ngũ)."
Như vậy, thời gian bạn thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được tính đóng bảo hiểm và cộng dồn thời gian công tác đóng bảo hiểm xã hội.
2. Về chế độ tiền lương
Căn cứ Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 như sau:
“1. Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ trong thời gian phục vụ tại ngũ:
a) Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh; được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hàng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết; được bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn theo quy định của pháp luật;
b) Từ tháng thứ mười ba trở đi được nghỉ phép theo chế độ; Các trường hợp vì lý do đột xuất khác do Bộ trưởng Bộ quốc phòng quy đinh;
c) Từ tháng thứ hai mươi lăm trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hưởng hàng tháng;
d) Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được giao hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác;
đ) Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác;
e) Được ưu đãi về bưu phí;
g) Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng theo quy định của pháp luật;
h) Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thi được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật;
i) Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế;
k) Được tạm hoãn trả và không tính lãi suất khoản vay từ Ngân hàng chính sách xã hội mà trước khi nhập ngũ là thành viên hộ nghèo, học sinh, sinh viên theo quy định của pháp luật;
l) Được ưu tiên trong tuyển sinh quân sự.
2. Đối với thân nhân hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ:
a) Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm;
b) Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn, giảm học phí khi học tại cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí;
c) Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật”.
Trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự bạn sẽ được hưởng tất cả các chế độ trên đây. Đặc biệt, Thời gian bạn tại ngũ sẽ được nhà nước tính vào thời gian công tác của bạn (Điểm đ Khoản 1 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự 2015). Tuy nhiên, về mức lương trong thời gian tại ngũ không được hưởng lương của công chức như cũ cho đến khi bạn hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về cơ quan cũ làm việc.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Theo Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 và các văn bản có liên quan thì công dân sau khi xuất ngũ sẽ được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật, cụ thể:
Về công việc sau khi xuất ngũ: Khoản 3 Điều 50 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ như sau:
“Đối với hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ:
a) Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ;
b) Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó;
c) Được trợ cấp tạo việc làm;
d) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ; trường hợp cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp;
đ) Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế, khi xuất ngũ tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ; trường hợp tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật…”.
Về trợ cấp khi xuất ngũ: Quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư 95/2016/NĐ- CP:
“ 2. Trợ cấp xuất ngũ một lần: a) Ngoài chế độ bảo hiểm xã hội được hưởng theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều này, hạ sĩ quan, binh sĩ khi xuất ngũ được trợ cấp xuất ngũ một lần, cứ mỗi năm phục vụ trong Quân đội (đủ 12 tháng) được trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở theo quy định của Chính phủ tại thời Điểm xuất ngũ. Cụ thể: Trợ cấp xuất ngũ một lần= Số năm phục vụ tại ngũ x 02 tháng tiền lương cơ sở
– Dưới 01 tháng không được hưởng trợ cấp xuất ngũ;Trường hợp có tháng lẻ tính như sau:
– Từ đủ 01 tháng đến đủ 06 tháng được hưởng trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương cơ sở;
– Từ trên 06 tháng đến 12 tháng được hưởng trợ cấp bằng 02 tháng tiền lương cơ sở.
b) Trường hợp hạ sĩ quan, binh sĩ được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho xuất ngũ trước thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều 43 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự thì được hưởng chế độ trợ cấp xuất ngũ một lần theo quy định tại Điểm a Khoản này.
3. Trợ cấp thêm do kéo dài thời gian phục vụ tại ngũ: Hạ sĩ quan, binh sĩ có thời gian phục vụ tại ngũ kéo dài theo quy định, khi xuất ngũ được trợ cấp thêm như sau:
a) Thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng thứ 25 đến dưới 30 tháng được trợ cấp thêm 01 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng;
b) Thời gian phục vụ tại ngũ đủ 30 tháng được trợ cấp thêm 02 tháng phụ cấp quân hàm hiện hưởng”.
Như vậy, sau khi bạn xuất ngũ bạn có quyền được hưởng tất cả các chế độ khi xuất ngũ của sĩ quan, binh sĩ, ngoài việc được hưởng các chế độ, chính sách như nội dung ban đầu đã cung cấp, bạn sẽ được hưởng khoản trợ cấp khi xuất ngũ như trợ cấp xuất ngũ 1 lần, phụ cấp quân hàm hiện hưởng,…
Trong trường hợp của bạn, trước khi nhập ngũ bạn đang là công chức nhà nước tại cơ quan nào thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm. Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế khi xuất ngũ tổ chức kinh tế đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ.