Mượn tên thành lập doanh và tranh chấp phân chia lợi nhuận. Thỏa thuận mượn tên góp vốn thành lập doanh nghiệp có vi phạm pháp luật gì không?
Mượn tên thành lập doanh và tranh chấp phân chia lợi nhuận. Thỏa thuận mượn tên góp vốn thành lập doanh nghiệp có vi phạm pháp luật gì không?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi: giả dụ A muốn kinh doanh nhưng sợ rủi ro nên thỏa thuận với B cho mượn tên để thành lập công ty trách nhiệm hữu hạng. B lấy 100 triệu rồi cho A mượn tên và cam kết không lấy lãi, không can dự vào chuyện của công ty. Điều lệ công ty ghi là "A 70% vốn và B 30% vốn". Nhưng sau khi công ty hoạt động 1 thời gian thì B đòi chia lãi theo đúng điều lệ. Cho em hỏi nếu như vậy thì B có được chia lãi theo điều lệ không? Và B làm vậy có phá vỡ hợp đồng không? Em xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, trong trường hợp B không thực hiện đúng nội dung thỏa thuận, A có thể yêu cầu Tòa án công nhận giao dịch dân sự giữa A và B là vô hiệu để lấy lại số tiền 100 triệu đồng. Khoản 4 Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
“4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.”
Như vậy có thể thấy rằng, việc A và B thỏa thuận về việc B cho A mượn tên để thành lập công ty TNHH chính là hành vi kê khai không trung thực, chính xác nội dung hồ sơ đăng ký kinh doanh: thành viên sáng lập, tỉ lệ vốn góp…Do đó, có đủ căn cứ để tuyên bố đây là giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội
Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.”
Căn cứ quy định tại Điều 131 Bộ luật dân sự về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu thì A và B có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận và như vậy, B có nghĩa vụ phải trả lại số tiền 100 triệu đồng cho A.
Thứ hai, B chỉ có thể được chia lợi nhuận theo điều lệ nếu B góp đủ 30% vốn góp như nội dung của điều lệ công ty quy định.
Về bản chất, tuy giao dịch giữa A và B có thể bị tuyên bố vô hiệu nhưng do thủ tục thành lập công ty được thực hiện một cách hoàn toàn hợp pháp nên B vẫn có tư cách là một thành viên sáng lập của công ty, với phần vốn góp dự kiến là 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, trên thực tế thì B không hề thực hiện việc góp vốn mà toàn bộ số vốn do A bỏ ra. Điều 48 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về việc Thực hiện góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp trong công ty Trách nhiện hữu hạn hai thành viên trở lên như sau:
“1. Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.
2. Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Thành viên công ty chỉ được góp vốn phần vốn góp cho công ty bằng các tài sản khác với loại tài sản đã cam kết nếu được sự tán thành của đa số thành viên còn lại. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp như đã cam kết góp.
3. Sau thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này mà vẫn có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì được xử lý như sau:
a) Thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty;
b) Thành viên chưa góp vốn đủ phần vốn góp như đã cam kết có các quyền tương ứng với phần vốn góp đã góp;
c) Phần vốn góp chưa góp của các thành viên được chào bán theo quyết định của Hội đồng thành viên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh, vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp theo khoản 2 Điều này. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và phần vốn góp của thành viên.
5. Tại thời điểm góp đủ phần vốn góp, công ty phải cấp giấy chứng nhận phần vốn góp cho thành viên tương ứng với giá trị phần vốn đã góp. Giấy chứng nhận phần vốn góp có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của công ty;
b) Vốn điều lệ của công ty;
c) Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, số quyết định thành lập hoặc mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính đối với thành viên là tổ chức;
d) Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên;
đ) Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
e) Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
6. Trường hợp giấy chứng nhận phần vốn góp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, thành viên được công ty cấp lại giấy chứng nhận phần vốn góp theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều lệ công ty.”
Theo đó, có ba trường hợp có thể xảy ra:
Trường hợp thứ nhất: B đóng đủ số vốn cam kết góp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì B có quyền được chia lãi như điều lệ công ty.
Trường hợp thứ hai: trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, nếu B không đóng đủ số bốn cam kết góp thì công ty thực hiện việc điều chỉnh vốn điều lệ và quyền lợi B được hưởng dựa trên phần vốn góp thực tế của B.
Trường hợp thứ ba: trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,nếu B không thực hiện việc góp vốn thì B bị tước tư cách thành viên công ty và không được chia lãi suất