Chế độ bảo hiểm khi người tham gia bảo hiểm nhân thọ đột tử. Phân chia di sản và hưởng chế độ bảo hiểm.
Chế độ bảo hiểm khi người tham gia bảo hiểm nhân thọ đột tử. Phân chia di sản và hưởng chế độ bảo hiểm.
Tóm tắt câu hỏi:
Anh rể tôi có mua 1 hợp đồng bảo hiểm nhân thọ công ty Prudential trong hợp đồng không để người thụ hưởng, anh rể bị đột tử Công ty chi trả làm 3 phần đều nhau: Vợ, con riêng và mẹ. Theo luật hôn nhân thì vợ là người quản lý tài sản khi chồng qua đời. Cho tôi hỏi Công Ty chia như thế có đúng luật không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Khoản 12 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định: “Bảo hiểm nhân thọ là loại nghiệp vụ bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết.”
Khoản 8 Điều 3 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định : “Người thụ hưởng là tổ chức, cá nhân được bên mua bảo hiểm chỉ định để nhận tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm con người.”
Điểm a khoản 1 Điều 13 Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 quy định về Nội dung của hợp đồng bảo hiểm có quy định:
“1. Hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng;”
Như vậy, với một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thì cùng với những thông tin khác, thông tin về người thụ hưởng là những thông tin buộc phải có bởi liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ chi trả bảo hiểm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, pháp luật luôn tôn trong sự thỏa thuận của các bên với điều kiện thỏa thuận đó không được trái với quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội. Trong trường hợp của anh rể bạn, cần phải căn cứ vào nội dung hợp đồng bảo hiểm cụ thể được hai bên ký kết để giải quyết tình huống. Trên thực tế, công ty bảo hiểm chi trả bảo hiểm cho vợ, con riêng và mẹ của anh rể bạn. Việc làm này của công ty bảo hiểm có thể dựa trên một thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng bảo hiểm, chẳng hạn như xác định người thụ hưởng là những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất, người thụ hưởng là người cùng chung sống…Những thỏa thuận này sẽ được công nhân là hợp pháp nếu không trái với quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức xã hội và khi đó thì việc chi trả bảo hiểm của công ty bảo hiểm cũng hoàn toàn phù hợp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm nhân thọ giữa anh rể bạn và công ty bảo hiểm không xác định các thỏa thuận về việc xác định người thụ hưởng hoặc việc xác định người thụ hưởng trái với quy định của pháp luật hoặc chuẩn mực đạo đức xã hội thì hơp đồng bảo hiểm có thể bị tuyên bố vô hiệu do vi phạm về nội dung. Trong trường hợp này, hợp đồng không có hiệu lực kể từ thời thời điểm ký kết, công ty bảo hiểm có nghĩa vụ thanh toán cho người quản lý di sản của anh rể bạn số tiền bảo hiểm đã nhận.
Bạn cũng cần lưu ý rằng, tiền bảo hiểm nhân thọ do công ty bảo hiểm chi trả không được coi là di sản người chết để lại. Bởi về bản chất, số tiền đó không thuộc về người đã chết mà thuộc về những người thụ hưởng được người mua bảo hiểm chỉ định khi sau khi người mua bảo hiểm qua đời.