Mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng ai là người trả nợ. Uỷ quyền cho người khác đi thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng?
Mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng ai là người trả nợ. Uỷ quyền cho người khác đi thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi xin hỏi là em chồng tôi có mượn sổ đỏ và sổ hộ khẩu nhà tôi để vay ngân hàng.Do bố tôi là người đứng tên trong sổ hộ khẩu.Xin hỏi nếu em chồng tôi ko trả được nợ vậy ai là người sẽ phải đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật. Em Chồng tôi mượn danh nghĩa bố chồng tôi đi vay?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Sổ đỏ do bố chồng bạn đứng tên thì khi thế chấp vay tiền ngân hàng, ngân hàng phải yêu cầu người đứng tên sổ đỏ ký tên bảo lãnh.
Như vậy cần xác định bố chồng bạn kí tên bảo lãnh cho em chồng bạn khi anh ấy mang sổ đỏ đi vay thế chấp hay chính bố chồng bạn đứng tên hợp đồng vay thế chấp.
Trường hợp bố chồng bạn kí tên bảo lãnh thì được quy định tại Điều 335 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 335. Bảo lãnh
1. Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Theo quy định trên, về mặt pháp lý, em chồng bạn mượn sổ đỏ đang đứng tên bố để thế chấp vay ngân hàng thì người đứng tên thế chấp có nghĩa vụ trả nợ thay người vay khi người vay không trả được nợ. Khi đó, ngân hàng sẽ yêu cầu bố chồng là người bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ thay cho người được bảo lãnh (người vay). Việc bố chồng bạn cho em bạn mượn sổ đỏ, tức là mang tài sản của mình ra bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của con là thoả thuận riêng (thoả thuận dân sự) của bố và em bạn. Nếu em chồng của bạn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì bố bạn phải trả nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng bảo đảm đã ký.
Nếu bố chồng bạn đứng tên hợp đồng vay thế chấp thì đương nhiên nghĩa vụ trả nợ thuộc về người bố.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Trường hợp bố chồng bạn ủy quyền bằng văn bản có công chứng cho em bạn mang sổ đỏ thế chấp vay tiền ngân hàng thì được quy định tại Khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 134. Đại diện
1.Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Và Khoản 1 Điều 139. Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện
“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.”
Theo quy định này,nếu bố chồng bạn ủy quyền cho em chồng bạn thì hành vi thế chấp sổ đổ vay tiền phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với bố chồng bạn. Do đó, nghĩa vụ trả tiền thuộc về bố chồng bạn.
Nếu em chồng mượn bố chồng và giấu giếm để đi thế chấp ngân hàng thì giao dịch dân sự vô hiệu.