Xử lý người có hành vi xuyên tạc, bịa đặt. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống người khác.
Xử lý người có hành vi xuyên tạc, bịa đặt. Truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào văn phòng! Hiện tại công ty tôi bị một người xuyên tạc nói xấu, nói không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của công ty. Mong văn phòng tư vấn giúp: ngoài xử lý theo Điều 122 Bộ Luật Hình sự năm 1999 thì có nghị định hay văn bản nào quy định xử lý (theo hướng phạt hành chính) không? Xin chân thành cảm ơn và mong được trả lời sớm!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vu khống như sau:
"Điều 122. Tội vu khống
1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với nhiều người;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người thi hành công vụ;
e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Cấu thành tội vu khống người khác như sau:
– Khách thể là quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền được tôn trọng và bảo vệ về nhân phẩm, danh dự của con người. Đối tượng tác động là con người.
– Khách quan:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Đây là hành vi cố tình đưa ra những thông tin không đúng sự thật nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng xấu đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Hành vi loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người khác. Đay là trường hợp chử thể không phải là người tạo ra thông tin bịa đặt đó nhưng khi thu được thông tin họ cố ý làm cho người khác biết mặc dù họ biết rõ đó là thông tin bịa đặt.
+ Hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
Tội phạm hoàn thành ngay từ khi những hành vi nói trên được thực hiện không phụ thuộc vào việc quyền lợi của nạn nhân đã bị xâm hại hay chưa.
– Chủ quan: Lỗi cố ý trực tiếp
– Chủ thể: là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên.
Nếu có các yếu tố cấu thành như trên thì người có hành vi vu khống, xuyên tạc, nói xấu công ty bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vu khống theo quy định trên.
Nếu chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a) Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP như sau:
"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
… "