Xử lý tài sản bảo đảm khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Giả mạo hồ sơ vây vốn ngân hàng.
Xử lý tài sản bảo đảm khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ. Giả mạo hồ sơ vây vốn ngân hàng.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào quý luật sư. Em tên là H. Hiện em đang mắc 1 số vấn đề về trả lãi ngân hàng, kính mong luật sư sẽ giải đáp thắc mắc của em một cách kĩ càng nhất. Cụ thể như sau: Ba em, đã vay 650 triệu từ ngân hàng Thương mại cổ phần A với mục đích là kinh doanh. Nhưng thực chất là dùng để cá độ đá banh. Do ông bị dị tật ở 1 chân, đi lại khó khăn, không thích hợp để trình diện trước ngân hàng. Phía ngân hàng đã tư vấn để em đứng tên người vay mượn. Còn ba em là người bảo lãnh với tài sản thế chấp là ngôi nhà, được định giá 875 triệu. Trong quá trình vay mượn, dưới sự giúp đỡ của cò ngân hàng và giám đốc trưởng chi nhánh, mọi giấy tờ đều được làm khống. Từ giấy phép kinh doanh, đến quy trình,
1. Cách xử lý của ngân hàng trong trường hợp nợ xấu của gia đình em, em là người đứng tên vay mượn nhưng trong thực tế em không phải là người sử dụng số tiền ấy, em có cần phải trả lãi ngân hàng không?
2. Với câu chuyện ở trên, nếu như ba em kiện ngược trở lại, em có phải đi tù không? (lúc kí hợp đồng có mặt em và ba em)
3. Ngân hàng có niêm phong ngôi nhà em đang ở để đưa đi đấu giá liền hay không? Do em cần có thời gian để bán nhà. Việc ngân hàng thiếu trách nhiệm trong lúc xét duyệt giải ngân, nhân viên tín dụng lạm quyền để giải quyết hợp đồng nhanh có thể quy vào tội nào?
4. Ba em cá độ đá banh dựa trên tiền vay ngân hàng bị xử tội gì? Những người trong đường dây cá độ đá banh ba em đã lấy mạng về có thể bị tố cáo không? Nếu tố cáo thành công thì tội gì? Án phạt ra sao?
5. Nếu như ba em làm giả giấy tờ thừa kế => ngôi nhà không phải do ba em sở hữu mà là của người bà đã mất của em, thì việc vay mượn này có vô hiệu hóa hay không? Ba em đã làm giấy tờ thừa kế không hợp lệ, đút tiền để duyệt khi thiếu người xác nhận, như vậy giấy tờ đó có hợp lệ không?
6. Em đang môi giới bán ngôi nhà của ba em, nhưng ba em lại muốn cầm tất cả tiền bán được để bỏ đi cá độ tiếp. Liệu em có nên hỗ trợ bán nhà cho ba em nữa không? Nếu bị phát mãi, niêm phong tài sản, số tiền còn lại em thu được là bao nhiêu? Nếu bị truy tố hình sự ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Chân thành cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
– Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
– Luật Thi hành án dân sự 2008
2. Nội dung tư vấn
1. Về việc bạn mượn tiền thay cho ba bạn thì có phải trả lãi ngân hàng hay không?
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định Nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
"1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác."
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của ban, vào thời điểm giao kết hợp đồng vay tiền với ngân hàng, bạn là bên vay do đó bạn có nghĩa vụ phải trả nợ và tiền lãi cho ngân hàng, việc sau khi vay bạn đưa tiền cho ai sử dụng thì không ảnh hưởng đến nghĩa vụ trả nợ của bạn với ngân hàng.
2. Về việc ba bạn kiện ngược lại thì bạn có phải đi tù không?
Theo như bạn trình bày, bạn đứng ra vay tiền thay cho bố bạn, mục đích của bố bạn là dùng vào việc cá độ bóng đá. Nếu bạn biết bố bạn dùng tiền vào mục đích cá độ bóng đá nhưng vẫn vay tiền hộ thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc với vai trò là đồng phạm.
Mặ khác, trong quá trình vay mượn, dưới sự giúp đỡ của cò ngân hàng và giám đốc trưởng chi nhánh, mọi giấy tờ vây tiền của bạn đều được làm khống. Từ giấy phép kinh doanh, đến quy trình, kế hoạch kinh doanh và trả nợ đều được soạn sẵn. Ở đây, bạn và giám đốc chi nhánh ngân hàng đã có hành vi thông đồng với nhau, lập hồ sơ để khống vay tiền ngân hàng đây là hành vi lừa dối để chiếm đoạt tài sản . Bạn và người trưởng chi nhánh có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009:
"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
3. Ngân hàng có quyền niêm phong ngôi nhà bạn đang ở để bán đấu giá không?
Điều 299 Bộ luật dân sự 2015 quy định Các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm:
"1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.
3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định."
Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015 quy định Phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
"1. Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau đây:
a) Bán đấu giá tài sản;
b) Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
c) Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
d) Phương thức khác.
2. Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.”
Như vậy, trong trường hợp bạn không trả được nợ gốc và lãi cho ngân hàng theo đúng thời hạn, thì ngân hàng có quyền xử tài sản bảo lãnh là căn nhà mà ba bạn mang ra bảo lãnh cho bạn, theo quy định trên thì ngân hàng có quyền áp dụng biện páp bán đầu giá căn nhà để thu hồi nợ cho ngân hàng.
* Nhân viên ngân hàng lạm quyền, ép bạn ký hợp đồng vay tiền:
Theo thông tin bạn cung cấp, trong quá trình vay tiền ngân hàng, nhân viên ngân hàng thực hiện các giấy tờ, hồ sơ đều được soạn sẵn và đưa cho bạn ký trong khi bạn chưa nắm rõ được các nội dung trong các hợp đồng, giao dịch, cố ý ép bạn ký nhanh.
Nếu bạn chứng minh được dấu hiệu cưỡng ép, lừa dối hoặc đe dọa trong trường hợp này thì hợp đồng vay tiền sẽ bị tuyên vô hiệu theo quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015:
"Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.”
Đối với người trưởng chi nhánh và nhân viên ngân hàng là những người đã "hỗ trợ" bạn lập hồ sơ khống để vay tiền thì những người này có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 như đã phân tích ở trên.
4. Ba của bạn và những người trong đường dây tham gia cá độ đá bóng bị xử lý như thế nào?
Ba bạn và những người chơi cá độ bóng đá có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bố sung 2009:
"1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”
Theo hướng dẫn tại Công văn số 80/TANDTC-PC thì trường hợp người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc.
Do đó, nếu bố bạn và những người tham gia chơi cá độ mà tài sản tham gia có giá trị từ 5.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội đánh bạc.
5. Ba bạn làm giả giấy tờ thừa kế.
Theo như bạn trình bày, mảnh đất bố bạn đang ở là di sản thừa kế của ông bà nội bạn, bố bạn có hành vi làm giả giấy tờ thừa kế để sang tên nhà đất cho bố bạn, bố bạn mang nhà đất này đi bảo lãnh cho bạn vay tiền ngân hàng. Trong trường hợp này, việc sang tên đất cho bố bạn là trái quy định pháp luật, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất có thể bị hủy do cấp sai đối tượng theo quy định Khoản 2 Điều 106 Luật đất đai 2013, bởi đây là di sản thừa kế sẽ là tài sản chung của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố mẹ bạn.
"2. Nhà nước thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trong các trường hợp sau đây:
a) Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Cấp đổi Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
d) Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp
luật đất đai , trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai."
Theo như bạn trình bày, bố bạn có hành vi đưa tiền cho cán bộ xã để làm thủ tục sang tên, do đó bố bạn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 289 Bộ luật hình sự 1999:
"1. Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
c) Dùng tài sản của Nhà nước để đưa hối lộ;
d) Phạm tội nhiều lần;
đ) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
e ) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần giá trị của hối lộ.
6. Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.
Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.”
6. Sau khi phát mãi còn lại bao nhiều tiền?
Như bạn nói, bạn đang môi giới bán ngôi nhà của ba bạn, nhưng ba bạn lại muốn cầm tất cả tiền bán được để đi cá độ tiếp. Việc bạn có nên tiếp tục giúp bố bạn bán nhà hay không là do bạn quyết định.
Sau khi bán đấu giá tài sản, theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008 thì số tiền thu được sẽ được chi trả cho chi phí cưỡng chế thi hành án và các nghĩa vụ mà người phải thi hành án chịu, phần còn lại được trả cho người phải thi hành án. Do thông tin bạn không đầy đủ nên không thể xác định được số tiền còn lại bạn được nhận bao nhiêu?