Có thể làm đơn tố cáo khi con mình bị xúc phạm không? Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Có thể làm đơn tố cáo khi con mình bị xúc phạm không? Trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác.
Tóm tắt câu hỏi:
Cách đây vài tháng khi con gái tôi được hơn 13 tháng tuổi (hiện tại con tôi được 19 tháng tuổi). Tôi có bế cháu sang bên nhà hàng xóm chơi, bà hàng xóm lấy một quả vải từ trong nhà ra định cho con tôi ăn, bà ta bảo con tôi ăn đi thì bà mới cho những lúc đó con tôi còn bé quá bé vốn vẫn chưa hay ăn. Thế là bị bà ta xúc phạm nói ngay cho con tôi là: "Con này đúng là đồ bất nhân còn bé thôi nhìn mặt đã thấy ương ương dày rồi". Lúc đó tôi thấy tức nhưng chưa nói lại được điều gì để chửi lại bà ta, lúc bà ta nói cũng có hai bố con nhà kế bên nghe thấy. Càng về sau này cứ nghĩ đến câu nói đó của bà ta tôi lại càng thấy tức và ghét đến thấu xương tủy. Bao nhiêu lần nhìn con tôi lại khóc tại sao con tôi vừa từ trong trứng ra còn chưa biết gì thậm chí còn chưa biết nói mà đã bị bà ta xúc phạm như thế rồi nghĩ đến mà tôi thương xót con vô cùng.tôi muốn hỏi xem bây giờ nếu tôi viết đơn trình báo và có hai cha con nhà hàng xóm làm chứng thì liệu bà ta có bị pháp luật xử lý không và bị xử lý như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
2. Nội dung tư vấn
Căn cứ Điều 121 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội làm nhục người khác như sau:
"Điều 121. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo quy định trên, người nào có hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội làm nhục người khác. Theo bạn trình bày, người hàng xóm có lời lẽ xúc phạm đến con bạn nên trong trường hợp này bạn hoàn toàn có quyền làm đơn tố cáo lên cơ quan công an nơi bạn cư trú để giải quyết. Nếu hành vi của người hàng xóm chưa đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự thì người hàng xóm sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
"Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
… "
>>> Luật sư tư vấn về hành vi làm nhục người khác qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ Điều 2 Luật tố cáo 2011 quy định như sau:
"1. Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức."
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý vì con bạn mới 19 tháng tuổi do vậy trong trường hợp này cần phải có người đại diện để làm đơn tố cáo hành vi của người hàng xóm. Căn cứ theo Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
"Điều 134. Đại diện.
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Điều 136. Đại diện theo pháp luật của cá nhân.
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự."
Theo quy định trên thì bạn hoặc chồng bạn sẽ là đại diện theo pháp luật của con bạn. Bạn hoặc chồng sẽ làm đơn tố cáo hành vi của người hàng xóm lên cơ quan công an.