Áp dụng Công ước Viên 1980 để giải quyết vụ việc giao hàng không đúng thời hạn thỏa thuận. Bài tập học kì Luật Thương Mại Quốc Tế 9 điểm.
Áp dụng Công ước Viên 1980 để giải quyết vụ việc giao hàng không đúng thời hạn thỏa thuận. Bài tập học kì
ĐỀ BÀI
Ngày 15/08/2011, công ty A (trụ sở tại Buôn Mê Thuột) ký kết hợp đồng bán cà phê cho công ty B (trụ sở tại Singapore) 1.000 tấn cà phê với giá 400 USD/tấn, giao hàng theo điều kiện FOB tại cảng Đà Nẵng (INCOTERMS 2010). Thời hạn giao hàng: từ ngày 15/09/2011 đến ngày 30/09/2011.
Ngày 15/09/2011, công ty A gửi cho công ty B một thông báo với nội dung rằng tại công ty A đang xảy ra đình công, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất và thu hoạch cà phê. Do đó, công ty A không thể giao hàng đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng, và hiện tại công ty A đang cố gắng khắc phục hậu quả đề hoạt động bình thường trở lại và sẽ thông báo lịch giao hàng cụ thể sau.
Câu hỏi: Hãy áp dụng Công ước Viên 1980 để giải quyết vụ việc trên.
BÀI LÀM
1. Khái quát tình huống
Thứ nhất, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty A (trụ sở ở Buôn Mê Thuột – Việt Nam) và công ty B (trụ sở tại Singapore) là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế căn cứ theo quy định tại Điều 1 Công ước Viên 1980 (CISG).
Thứ hai, đối tượng của hợp đồng là hàng hóa – 1000 tấn cà phê, với giá thỏa thuận là 400USD/tấn, không thuộc đối tượng hàng hóa không được áp dụng công ước này vào việc mua bán được quy định tại Điều 2 CISG.
Thứ ba, phương thức giao hàng theo điều kiện FOB tại cảng Đà Nẵng INCOTERMS 2010 trong thời hạn từ ngày 15/9/2011 đến ngày 30/9/2011. Với cách thức giao hàng FOB, công ty A có trách nhiệm chịu mọi sự rủi ro có thể xảy đến với hàng hóa trước khi xếp hàng lên tàu do công ty B chỉ định tại cảng Đà Nẵng; tuy không có nghĩa vụ thông quan nhập khẩu, trả các khoản thuế nhập khẩu hay làm thủ tục thông quan nhập khẩu nhưng công ty A phải làm thủ tục thông quan xuất khẩu nếu có. Sự chuyển dịch rủi ro sang công ty B sẽ bắt đầu từ khi 1000 tấn cà phê vượt qua lan can tàu, và công ty B chịu mọi chi phí kể từ lúc này trở đi.
Thứ tư, có thể áp dụng CISG bởi tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa, chủ thể công ty B có trụ sở ở Singapore là thành viên của công ước, loại hàng hóa cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của công ước. CISG được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong hai trường hợp: một là nếu có điều khoản chọn luật áp dụng dẫn chiếu tới CISG; hai là nếu các bên tham gia hợp đồng không thỏa thuận rõ ràng hoặc thỏa thuận ngầm về việc coi CISG là luật áp dụng, thì lúc đó CISG được áp dụng theo khoản 1 Điều 1. Theo khoản 1(a) Điều 1 CISG, nếu không có quy phạm tư pháp quốc tế nào được áp dụng thì CISG được áp dụng; theo khoản 1(b) Điều 1 CISG, nếu các quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến luật của một nước kí kết thì luật áp dụng sẽ là CISG.
>>> Luật sư