Xử lý hành chính liên quan đến xả chất thải hộ gia đình. Những quy định về xây dựng đường ống thoát nước thải
Xử lý hành chính liên quan đến xả chất thải hộ gia đình. Những quy định về xây dựng đường ống thoát nước thải.
Tóm tắt câu hỏi:
Em tên là Lê Văn Mão, em xin được cảm ơn và rất mong anh chị công ty luật Dương Gia. Em rất mong anh chị hướng dẫn và giải đáp giúp em. Vào năm 2015 gia đình em có kiến nghị lên UBND xã và UBND huyện Chương Mỹ về việc một số hộ dân chăn nuôi đã xả thẳng chất thải chăn nuôi ra mương thoát nước trước nhà , ruộng và ao của gia đình em, nhưng UBND huyện Chương Mỹ và UBND xã rất nhiều lần ra quyết định các hộ dừng việc xả thải và UBND huyện Chương Mỹ giao cho UBND xã Hoàng Văn Thụ giải quyết. Nhưng UBND xã Hoàng Văn Thụ không thực hiện như quyết định mà UBND xã và UBND huyện ra mà họ đòi thẩm định và kiểm tra diện tích ao của gia đình em. Nếu diện tích ao nhà em thừa họ sẽ cho làm mương thải chạy trên diện tích đó. Kính mong công ty hương dẫn và xem cách giải quyết giúp em?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo Điều 69, Luật Bảo vệ môi trường liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp quy định như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y phải thực hiện quy định về bảo vệ môi trường tại khoản 1 và khoản 2 Điều 78 của Luật này.
2. Phân bón, sản phẩm xử lý môi trường chăn nuôi đã hết hạn sử dụng; dụng cụ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sau khi sử dụng phải được xử lý theo quy định về quản lý chất thải.
3. Khu chăn nuôi tập trung phải có phương án bảo vệ môi trường và đáp ứng yêu cầu sau:
a) Bảo đảm vệ sinh môi trường đối với khu dân cư;
b) Thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn theo quy định về quản lý chất thải;
c) Chuồng, trại phải được vệ sinh định kỳ; bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh;
d) Xác vật nuôi bị chết do dịch bệnh phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại và vệ sinh phòng bệnh”.
Ngoài ra, tại Điều 82, Luật Bảo vệ môi trường 2014 về yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình cũng quy định trách nhiệm của những hộ gia đình có chất thải như sau:
“1. Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định.
2. Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định.
3. Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật;
5. Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư.
6. Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn"
Với những quy định trên của pháp luật về bảo vệ môi trường những hành vi bị nghiêm cấm đó bao gồm những hành vi xả chất thải ra ngoài môi trường khi chưa được xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Việc một số hộ dân chăn nuôi đã xả thẳng chất thải chăn nuôi ra mương thoát nước trước nhà , ruộng và ao của gia đình bạn là những hành vi bị cấm.Với hành vi xả nước thải ra môi trường, không đảm bảo vệ sinh môi trường, người có hành vi xả thải sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 13, Nghị định 179/2013/NĐ – CP như sau:
" Vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường
1. Hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải dưới 02 lần bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 05 m3/ngày (24 giờ);
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 05 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 10 m3/ngày (24 giờ);
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 10 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 20 m3/ngày (24 giờ);
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 20 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 40 m3/ngày (24 giờ);
đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 40 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 60 m3/ngày (24 giờ);
e) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 60 m3/ngày (24 giờ) đến dưới 80 m3/ngày (24 giờ);
….. ".
Trường hợp bạn nói bạn đã khiếu nại hành vi này lên cơ quan UBND xã cũng như UBND huyện. Khi đó UBND huyện đã yêu cầu UBND xã giải quyết vấn đề này thì UBND xã sẽ có thẩm quyền thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến việc quản lý cũng như có xử phạt nếu có hành vi vi phạm quy định pháp luật,. Trường hợp mà những nhà hàng xóm của bạn không thực hiện việc đảm bảo vệ sinh khi xả thải thì có thể sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính .
Ngoài ra, cả đối với việc xây dựng ống thoát nước thải việc xây dựng cũng phải đúng quy trình kĩ thuật đảm bảo vấn đề môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như đúng với quy định tại Nghị định 80/2014/NĐ-CP ngày 6/08/2014, Nghị định quy định những vấn đề liên quan đến thoát nước và xử lý nước thải. Khi UBND xã ra một quyết định mà gia đình bạn không thấy hợp lý có một cơ chế để bạn giải quyết đó là cơ chế khiếu nại lại quyết định đó của UBND xã để họ có thể xem xét lại về tính đúng đắn của quyết định họ ban hành.