Điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân liệt sĩ. Thủ tục, hồ sơ để được hưởng bảo hiểm y tế đối với thân nhân của liệt sĩ. Mức hưởng bảo hiểm y tế đối với thân nhân liệt sĩ?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố tôi là liệt sĩ tôi là con nhưng họ của tôi đã bị đổi sang họ khác không giống họ của bố tôi nữa. Vậy cho tôi xin hỏi là như vậy tôi có làm được thủ tục để hưởng được bảo hiểm y tế dành cho thân nhân liệt sĩ không? Tư vấn giúp tôi với. Xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh về ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005 quy định về thân nhân liệt sỹ như sau:
“1. Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ;
b) Vợ hoặc chồng;
c) Với;
d) Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ”.
Căn cứ vào quy định này thì thân nhân liệt sỹ được Nhà nước cấp “Giấy chứng nhận gia đình liệt sỹ” bao gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ; Vợ hoặc chồng; Con; Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.
Căn cứ vào quy định này thì nếu như về mặt pháp luật bạn được công nhận là con của liệt sỹ thì vẫn được công nhận là thân nhân của liệt sỹ, không phụ thuộc vào việc bạn có cùng hộ với bố bạn (liệt sỹ).
Tại khoản 8 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định về các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ bao gồm:
+ Trợ cấp tiền tuất một lần khi báo tử;
+ Trợ cấp tiền tuất hàng tháng theo các mức thân nhân của một liệt sĩ, thân nhân của hai liệt sĩ, thân nhân của ba liệt sĩ trở lên đối với cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ, con liệt sĩ dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng.
Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, vợ hoặc chồng liệt sĩ cô đơn không nơi nương tựa, con liệt sĩ mồ côi cả cha mẹ quy định tại điểm này thì được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất nuôi dưỡng hàng tháng;
+ Khi báo tử, liệt sĩ không còn thân nhân thì người thừa kế của liệt sĩ giữ Bằng “Tổ quốc ghi công” được hưởng khoản trợ cấp tiền tuất một lần như đối với thân nhân liệt sĩ;
+ Liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì người được giao thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp mỗi năm một lần;
+ Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ; người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; vợ hoặc chồng; con liệt sĩ bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần.
Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ chỉ có một con mà người con đó là liệt sĩ hoặc cha đẻ, mẹ đẻ có hai con là liệt sĩ trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
+Thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cần thiết căn cứ vào hoàn cảnh của từng người, khả năng của Nhà nước; khi chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp.
Luật sư
Như vậy, trong trường hợp của bạn. Nếu như bạn có căn cứ chứng minh mình là con của liệt sỹ, bạn có thể căn cứ vào giấy khai sinh hoặc nếu như không có giấy khai sinh bạn có thể làm thủ tục xác nhận cha con tại theo quy định của Luật hộ tịch thì bạn sẽ thuộc đối tượng được hưởng bảo hiểm ý tế, do ngân sách nhà nước chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014. Mức đóng hằng tháng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở và do ngân sách nhà nước đóng.
Mục lục bài viết
- 1 1. Những đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm y tế
- 2 2. Con dâu của liệt sĩ có thuộc diện được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế?
- 3 3. Viên chức là con liệt sỹ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng nào?
- 4 4. Viên chức là con liệt sĩ đóng bảo hiểm y tế thế nào?
- 5 5. Con liệt sĩ có được cấp bảo hiểm y tế miễn phí không?
- 6 6. Thân nhân người nhiễm chất độc da cam có được cấp bảo hiểm y tế?
1. Những đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm y tế
Bảo hiểm y tế là hình thức bảo hiểm bắt buộc được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật bảo hiểm y tế 2014 để chăm sóc sức khỏe, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện. Những đối tượng được nhà nước đóng bảo hiểm bao gồm những đối tượng cụ thể như sau:
+ Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an và nhân thân của đối tượng này.
+ Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
+ Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hằng tháng từ ngân sách nhà nước;
+ Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
+ Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
+ Trẻ em dưới 6 tuổi;
+ Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng;
+ Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
+ Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
+ Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này;
+ Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
+ Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
2. Con dâu của liệt sĩ có thuộc diện được Nhà nước đóng bảo hiểm y tế?
Tóm tắt câu hỏi:
Kính gửi Công ty luật sư! Cháu tên Bùi Thị Là, quê quán Đông La, Đông Hưng, Thái Bình. Cháu có ông nội là liệt sĩ Bùi Huy Ơn. Gia đình đã có giấy Tổ quốc ghi công. Năm 2015, cháu được biết là nhà nước đã có quyết định cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân gia đình người có công với cách mạng và đã quy định rõ về đối tượng được thừa hưởng bảo hiểm y tế phải là vợ, con trai, con gái ruột của liệt sĩ mới được hưởng chế độ. Nhưng bố cháu là con trai duy nhất đã mất, chỉ còn mình mẹ cháu là người thờ cúng nhưng theo luật thì con dâu không được hưởng chế độ bảo hiểm y tế. Mẹ cháu nói rằng như vậy thiệt thòi cho gia đình nhà cháu quá bởi người đã mất không được hưởng chế độ gì. Trên thực tế có rất nhiều trường hợp như nhà cháu. Mong luật bổ sung cho những gia đình hoàn cảnh như vậy không thiệt thòi. Cháu xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Luật bảo hiểm y tế năm 2014 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế năm 2008 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13 tháng 6 năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Trong quá trình xây dựng luật thì ban soạn thảo cũng quan tâm đến quyền lợi của người tham gia. Luật bảo hiểm y tế năm 2014 bao gồm nhiều quy định và sửa đổi về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo đó tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế đối với một số đối tượng chính sách.
Theo quy định tại Điểm i và k Khoản 3, Điều 1 Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của liên Bộ Y tế – Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện BHYT, thì nhóm thân nhân của người có công với cách mạng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế, bao gồm:
– Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
– Thân nhân của người có công với cách mạng (trừ thân nhân của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ), bao gồm:
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của các đối tượng: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
+ Con đẻ từ trên 6 tuổi của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật do hậu quả của chất độc hóa học không tự lực được trong sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt.
Như vậy theo quy định trên kết hợp thông tin mà bạn cung cấp thì vì ông nội bạn là liệt sĩ nên từ ngày 01/01/2015, bà nội bạn, bố bạn là đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Chi phí bảo hiểm y tế trong trường hợp này do ngân sách nhà nước đóng.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, mặc dù bố bạn đã mất nhưng mẹ bạn không thuộc một trong các đối tượng theo quy định trên nên mẹ bạn không được cấp bảo hiểm y tế theo chính sách nêu trên.
Cũng cần thừa nhận rằng, trên thực tế có rất nhiều trường hợp như nhà bạn. Tuy nhiên, việc áp dụng các chế độ ưu đãi đối với các đối tượng chính sách trong đó có chính sách đối với thân nhân người có công với cách mạng cần phải được xem xét, cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như điều kiện kinh tế-xã hội, thu chi ngân sách…của đất nước. Có như vậy mới có thể cân bằng lợi ích giữa các đối tượng thừa hưởng. Có thể nói so với Luật bảo hiểm y tế năm 2008, Luật bảo hiểm y tế 2014 có rất nhiều điểm mới mang tính đột phá, tạo cơ chế tài chính hết sức quan trọng để chúng ta thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Hi vọng rằng, trong thời gian sắp tới, ngày càng có nhiều chính sách hơn nữa, mở rộng đối tượng được thừa hưởng bảo hiểm y tế.
3. Viên chức là con liệt sỹ đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Gia đình tôi là gia đình con liệt sỹ. Hiện nay tôi đang công tác tại trường Tiểu học Quỳnh Khê, Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương. Hiện tôi đang sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của viên chức, công chức. Nay tôi muốn chuyển sang dùng thẻ bảo hiểm y tế con liệt sỹ có được không vì tôi thấy thẻ bảo hiểm y tế con liệt sỹ được nhiều quyền lợi hơn. Nếu tôi chuyển sang sử dụng thẻ bảo hiểm y tế con liệt sỹ thì sau này khi đến tuổi về hưu có ảnh hưởng gì không? Tôi nhờ luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Tại Khoản 6, Điều 1 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi bổ sung 2014 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế như sau:
“1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo
……..
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
……..
i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
……..”
Theo thông tin mà bạn cung cấp hiện tại bạn đang công tác tại trường Tiểu học Quỳnh Khê, Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương, đồng thời bạn là con của liệt sĩ. Do đó, theo quy định trên bạn đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế: tham gia chế độ bảo hiểm y tế đối đối với người lao động là viên chức, công chức và chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân liệt sĩ.
Khoản 2 Điều 13 Luật bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi, bổ sung 2014 quy định:
“Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này”.
Theo phân tích ở trên, do bạn thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, do đó trong trường hợp này bạn phải tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng viên chức, công chức. Tuy nhiên, bạn sẽ được hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh theo diện thân nhân liệt sĩ, tức khi khám, chữa bệnh sẽ được quỹ bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí (trừ một số loại thuốc, dịch vụ y tế có giới hạn về tỷ lệ hưởng theo quy định của Bộ Y tế). Bạn sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế cấp thẻ bảo hiểm y tế với mã quyền lợi theo đối tượng là thân nhân liệt sĩ.
Để được hưởng quyền lợi này, bạn mang bảo hiểm y tế đã được cấp đến cơ quan bảo hiểm y tế cùng với các giấy tờ chứng minh là thân nhân liệt sĩ để được hưởng quyền lợi theo quy định.
4. Viên chức là con liệt sĩ đóng bảo hiểm y tế thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi là con liệt sĩ, hiện đang công tác tại một trường tiểu học. Tôi được biết thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế. Tuy nhiên từ trước đến nay tôi vẫn đóng phần trăm bảo hiểm y tế theo quy định của công nhân viên chức. Mới đây tôi được biết con liệt sĩ sẽ không phải đóng phần trăm bảo hiểm y tế hàng tháng nữa. Như vậy có đúng không xin luật sư giải đáp giúp tôi?
Luật sư tư vấn:
Luật bảo hiểm y tế 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014 có quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tại Điều 12 như sau:
“Điều 12. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo
….
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
…
i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
Theo như bạn trình bày, bạn vừa là viên chức vừa là con của liệt sĩ. Như vậy, bạn có thể tham gia bảo hiểm y tế với tư cách viên chức thông qua đơn vị bạn đang công tác hoặc tham gia bảo hiểm y tế với tư cách thân nhân của liệt sĩ. Bên cạnh đó, tại khoản 2 Điều 13
2. Trường hợp một người đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật này.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Trường hợp đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 của Luật này đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế khác nhau quy định tại Điều 12 của Luật này thì đóng bảo hiểm y tế theo thứ tự như sau: do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, do ngân sách nhà nước đóng, do đối tượng và Ủy ban nhân dân cấp xã đóng.
Theo quy định trên, bạn đóng bảo hiểm y tế tại cơ quan bạn công tác với tư cách viên chức là đúng với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 22
2. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế theo đối tượng có quyền lợi cao nhất.
Và cũng theo Điều 22 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 thì quyền lợi bảo hiểm y tế của thân nhân liệt sĩ cao hơn so với quyền lợi bảo hiểm y tế của viên chức. Do đó nếu khi đi khám, chữa bệnh bạn sẽ được được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế của thân nhân liệt sĩ.
5. Con liệt sĩ có được cấp bảo hiểm y tế miễn phí không?
Tóm tắt câu hỏi:
Em họ tôi là con liệt sĩ, là người nhận tiền thờ cúng cha, mẹ đã mất. Vậy em tôi có được hưởng bảo hiểm y tế con liệt sĩ để không phải mất tiền mua BHYT ở nơi làm việc?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 quy định:
“1. Thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp ” Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ” bao gồm:
a) Cha đẻ, mẹ đẻ;
b) Vợ hoặc chồng;
c) Với;
d) Người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ.”
Theo như bạn trình bày, em họ bạn là con liệt sĩ, theo quy định trên thì em họ bạn là thân nhân của liệt sĩ sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định tại Điểm đ khoản 2 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi bổ sung 2012:
“đ) Thân nhân liệt sĩ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; được ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh này;”
Theo đó thì em họ bạn sẽ được Nhà nước mua bảo hiểm y tế và sẽ không phải mua Bảo hiểm y tế tại nơi làm việc.
6. Thân nhân người nhiễm chất độc da cam có được cấp bảo hiểm y tế?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố tôi tham gia kháng chiến chống Mỹ và được tặng huân chương kháng chiến, huân chương chiến công,… đồng thời bị nhiễm da cam 41% thì mẹ tôi có thuộc đối tượng được cấp bảo hiểm y tế không?
Luật sư tư vấn:
Bạn nêu, bố bạn tham gia kháng chiến chống Mỹ và được tặng huân chương kháng chiến, huân chương chiến công…đồng thời bị nhiễm chất độc da cam 41%. Trong trường hợp này, theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi năm 2012 thì bố bạn là người có công với cách mạng .
Khoản 3 Điều 12
“3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
….
i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
k) Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này;
l) Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;…’
Luật sư tư vấn về bảo hiểm y tế cho thân nhân người có công với cách mạng:1900.6568
Và tại Khoản 2 Điều 2
– Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ trên 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng, con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
– Con liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ;
– Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của:
+ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân;
+ Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Như vậy, theo quy định trên thì bố bạn bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41%, nếu không thuộc đối tượng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng thì mẹ bạn không thuộc diện được nhà nước tham gia bảo hiểm y tế theo đối tượng là thân nhân người có công.