Thi hành án hình sự là gì? Thi hành án hình sự Tiếng Anh là gì? Quy định về kiểm sát và giám sát việc thi hành án hình sự? Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự?
Thi hành án hình sự là một hoạt động quan trọng trong tố tụng hình sự. Thi hành án được đảm sự tuân thủ pháp luật dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức pháp lý liên quan đến quy định về kiểm sát và giám sát việc thi hành án hình sự:
Luật sư
Căn cứ pháp lý:
– Luật thi hành án hình sự 2019
–
1. Thi hành án hình sự là gì?
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, vụ án hình sự là vụ việc phạm pháp có dấu hiệu là tội phạm đã được quy định trong Bộ luật hình sự đã được cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định ở Bộ luật hình sự tố tụng
Thi hành án hình sự là hoạt động thi hành các bản án, quyết định hình sự của Tòa án về hình phạt tử hình, hình phạt tù, hình phạt tù cho hưởng án treo, hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt quản chế hoặc cấm cư trú, các hình phạt tước một số quyền công dân, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, trục xuất, phạt tiền, tịch thu tài sản.
Bản án hình sự có hiệu lực pháp luật được ban hành bởi Tòa án không có kháng cáo, kháng nghị sẽ được tổ chức thi hành.
2. Thi hành án hình sự Tiếng Anh là gì?
Thi hành án hình sự Tiếng Anh là: “The enforcement of criminal judgments”
3. Quy định về kiểm sát và giám sát việc thi hành án hình sự
3.1 Cơ sở pháp lý
Hoạt động kiểm sát và giám sát việc thi hành án hình sự được quy định tại Điều 7 Luật thi hành án hình sự với nội dung như sau:
” Điều 7. Kiểm sát việc thi hành án hình sự
Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự.”
Mặt khác, theo điểm đ), Khoản 2, Điều 6, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014: “Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng việc kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự”
Như vậy, theo các quy định hiện hành, kiểm sát và giám sát thi hành án hình sự được hiểu là việc quan sát, kiểm tra việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong thi hành án hình sự. Việc kiểm sát thi hành án hình sự thuộc về Viện kiểm sát Nhân dân.
3.2 Đối tượng của công tác kiểm sát thi hành án hình sự
– Khoản 1 Điều 25 của Luật Tổ chức VKSND năm 2014 quy định: “VKSND kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự”
– Điều 2 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam (được ban hành kèm theo Quyết định số 35/QĐ-VKSTC-V4 ngày 29/1/2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định “Đối tượng của công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của Tòa án, nhà tạm giữ, trại tạm giam; cơ quan quản lý thi hành án hình sự; cơ quan thi hành án hình sự; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự và người có trách nhiệm trong việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, đối tượng kiểm sát của hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự là việc tuân theo pháp luật của các chủ thể sau:
–
“1. Ra quyết định thi hành án; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình.
2. Ra quyết định hoặc hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định đình chỉ thi hành án; quyết định miễn chấp hành án, giảm thời hạn chấp hành án; quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành án phạt tù; quyết định kéo dài thời hạn trục xuất; quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được hưởng án treo, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
3. Xem xét, giải quyết việc cho nhận tử thi của người bị thi hành án tử hình.
4. Gửi bản án, quyết định được thi hành và quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, tài liệu có liên quan cho cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật này.
5. Ra quyết định tiếp nhận phạm nhân là công dân Việt Nam phạm tội và bị kết án phạt tù ở nước ngoài được chuyển giao về Việt Nam để chấp hành án, chuyển giao phạm nhân là người nước ngoài.
6. Ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
7. Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về thi hành án hình sự theo thẩm quyền.
8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này”.
Có thể thấy, quyền ra quyết định thi hành án hình sự thuộc về Tòa án, ngoài ra đối với các quyết định hoãn, hủy quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, tha tù trước thời hạn có điều kiện….cũng thuộc nhiệm vụ quyền hạn của Tòa án. Vì vậy việc kiểm sát sự tuân thủ pháp luật và tôn trọng sự thật khách quan của Tòa án là vô cùng quan trong. Trên nguyên tắc, Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, tuy nhiên Tòa án chịu sự giám sát của Viện kiểm sát cùng cấp và Tòa án cấp trên trực tiếp. Quy định này là một sự thể hiện nguyên tắc các cơ quan tư pháp kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát bằng pháp luật, mặt khác việc đảm bảo tôn trọng sự thật khách quan trong tố tụng hình sự giúp đảm bảo tối đa quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân
– Cơ quan quản lý thi hành án hình sự: Căn cứ theo Khoản 1, Điều 11 Luật thi hành án hình sự 2019 cơ quan quản lý thi hành án hình sự bao gồm:
+ Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an
+ Cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Quốc phòng
– Cơ quan thi hành án hình sự: Căn cứ theo Khoản 1, Điều 11 Luật thi hành án hình sự 2019 cơ quan thi hành án hình sự bao gồm:
+ Trại giam
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh
+ Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện
+ Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu
– Cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự: Trại tạm giam (gồm trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu) Ủy ban nhân dân cấp xã; Đơn vị quân đội.
– Người có trách nhiệm trong hoạt động thi hành án hình sự: Có thể là Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Chánh án Tòa án nơi bị án đang chấp hành án, Giám thị trại giam….
3.3 Nguyên tắc thi hành án hình sự
Căn cứ theo Điều 4 Luật thi hành án hình sự 2019, việc triển khai thi hành án hình sự phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
– Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
-. Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
– Bảo đảm nhân đạo xã hội chủ nghĩa; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền, lợi ích hợp pháp của người chấp hành án, người chấp hành biện pháp tư pháp, quyền, lợi ích hợp pháp của pháp nhân thương mại chấp hành án.
– Kết hợp trừng trị và giáo dục cải tạo trong việc thi hành án; áp dụng biện pháp giáo dục cải tạo phải trên cơ sở tính chất, mức độ phạm tội, độ tuổi, sức khỏe, giới tính, trình độ học vấn và các đặc điểm nhân thân khác của người chấp hành án.
– Thi hành án đối với người dưới 18 tuổi chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành người có ích cho xã hội.
– Khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo, tự nguyện bồi thường thiệt hại.
– Bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo hành vi, quyết định trái pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.
– Bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân và gia đình trong hoạt động thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, việc thi hành án hình sự không chỉ là sự tuân thủ của pháp luật hình sự Việt Nam mà trước hết thi hành án hình sự phải tuân thủ theo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thi hành án hình sự Việt Nam được đảm bảo thực hiện trên cơ sở nguyên tắc nhân đạo, kết hợp giữa hình phạt và các biện pháp giáo dục với mục đích khuyến khích người chấp hành án ăn năn hối cải, sửa chữa sai lầm để mở ra cơ hội tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành án phạt trong tương lai.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự
Căn cứ theo Điều 25 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự được quy định như sau:
“1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự.
2. Khi kiểm sát thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự; yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự;
b) Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương;
c) Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;
d) Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách;
đ) Kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thi hành án hình sự;
e) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt, khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; xử lý nghiêm minh người vi phạm;
g) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;
h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự”
Có thể thấy, tại Điều 25 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 đã quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát với phạm vi tương đối rộng. Mặc dù quyền ra quyết định thi hành án hình sự thuộc về Tòa án, tuy nhiên, nếu xét thấy đủ căn cứ ra quyết định thi hành án nhưng Tòa án chưa ra quyết định thì Viện kiểm sát có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án. Viện kiểm sát cũng có quyền kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thi hành án hình sự hoặc khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát được trao quyền lực nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Trên đây là bài viết của Luật Dương Gia về quy định về kiểm sát và giám sát việc thi hành án hình sự. Để được tư vấn rõ hơn về vấn đề pháp lý này hoặc có bất cứ vấn đề pháp luật gì cần được tư vấn, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ!