Xử phạt hành vi chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
Xử phạt hành vi chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào anh/chị, hôm qua ngày 1/8/2016, em có bị cảnh sát giao thông bắt giữ xe vì chở người ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm. Phía bên cảnh sát đã lập biên bản và tịch thu xe của em và hẹn em vào mùng 8 lên Công anh tỉnh để lấy xe. Em thấy có một vài trường hợp giống em nhưng họ chỉ cần nộp phạt 150.000 là có thể về, em thắc mắc hỏi thì bên cảnh sát có nói em sinh năm 2000 chưa đủ tuổi để nộp phạt, chỉ có năm 1999, 1998 mới được nộp phạt, em có chút thắc mắc về trường hợp của em. (Xe của em là xe đạp điện – có bàn đạp). Xin cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo như bạn trình bày, xe của bạn là xe đạp điện. Bạn có hành vi chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm. Như vậy, bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điểm k) Khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2016/NĐ-CP:
“3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
…
k) Chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;”
Mức xử phạt đối với trường hợp bạn điều khiển xe đạp điện, chở người ngồi trên xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm là từ 100 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng. Tuy nhiên, do bạn sinh năm 2000, tức là người chưa thành niên nên việc áp dụng hình thức xử phạt đối với bạn phải tuân theo quy định tại Khoản 3 Điều 134 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“3. Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền.
Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay;”
Như vậy, tại thời điểm xử phạt vi phạm hành chính, nếu bạn chưa đủ 16 tuổi thì bạn sẽ không bị áp dụng hình thức phạt tiền. Nếu bạn đủ 16 tuổi thì mức xử phạt đối với trường hợp của bạn sẽ không quá 100 nghìn đồng và nếu bạn không có tiền nộp phạt thì bố mẹ bạn sẽ là người thực hiện thay cho bạn.
Việc tạm giữ xe của bạn thực hiện theo quy định tại Khoản 6 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
>>> Luật sư tư vấn mức phạt khi chở người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm: 1900.6568
“6. Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự: giấy phép lái xe hoặc giấy phép lưu hành phương tiện hoặc giấy tờ cần thiết khác có liên quan đến tang vật, phương tiện cho đến khi cá nhân, tổ chức đó chấp hành xong quyết định xử phạt. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm không có giấy tờ nói trên, thì người có thẩm quyền xử phạt có thể tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, trừ trường hợp quy định tại khoản 10 Điều này.”
Do bạn là người chưa thành niên nên chưa có giấy phép lái xe và nếu không có giấy phép lưu hành phương tiện thì phía cơ quan có thẩm quyền có quyền tạm giữ xe đạp điện của bạn cho đến khi bạn chấp hành xong quyết định xử phạt và việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính sẽ phải được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật.
Đối với việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản theo quy định tại Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
"1. Xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức và người có thẩm quyền xử phạt phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ.
Trường hợp vi phạm hành chính được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản.
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ phải ghi rõ ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, địa chỉ của cá nhân vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi vi phạm; địa điểm xảy ra vi phạm; chứng cứ và tình tiết liên quan đến việc giải quyết vi phạm; họ, tên, chức vụ của người ra quyết định xử phạt; điều, khoản của văn bản pháp luật được áp dụng. Trường hợp phạt tiền thì trong quyết định phải ghi rõ mức tiền phạt."
Như vậy, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với bạn là 100.000 đồng. Cảnh sát giao thông có quyền ra quyết định xử phạt hành chính luôn hoặc lập biên bản vi phạm hành chính đối với bạn. Do đó, nếu cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính đối với bạn trong trường hợp này thì vẫn đúng quy định pháp luật.