Trộm cắp lần đầu bị xử lý thế nào? Trách nhiệm hình sự khi phạm tội trộm cắp tài sản.
Trộm cắp lần đầu bị xử lý thế nào? Trách nhiệm hình sự khi phạm tội trộm cắp tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Con tôi năm nay 22 tuổi , cháu có lấy của bạn số tiền hơn 50 triệu đồng. Sau đó đã thành khẩn khai báo hoàn trả số tiền. Hồ sơ được đưa lên quận. Cháu phạm tội lần đầu, chưa có tiền án, tiền sự, đang là sinh viên. Tôi muốn hỏi mức hình phạt thấp nhất cháu có thể nhận và có ảnh hưởng đến việc học của cháu không? Và có cách nào xoá án tích không? Thời gian từ lúc lên lấy lời khai đến lúc triệu tập và đưa ra toà là bao lâu? Tôi xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009.
2. Giải quyết vấn đề:
Tại Điều 138 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 có quy định về Tội trộm cắp tài sản như sau:
Điều 138. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọnghoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
…
e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
…
Theo thông tin của bạn trình bày, con của bạn năm nay 22 tuổi, lấy số tiền hơn 50.000.000 đồng của bạn. Căn cứ theo quy định tại Điều 138 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 thì con của bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung 2009 và khung hình phạt áp dụng sẽ bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. Mức hình phạt cụ thể phải qua quá trình xem xét hồ sơ và phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Hội đồng xét xử. Khi Tòa án có bản án thì con bạn sẽ phải chấp hành bản án theo quy định của pháp luật.
Tại Điều 63 Bộ luật hình sự 1999 có quy định về xóa án tích như sau:
Điều 63. Xoá án tích
Người bị kết án được xoá án tích theo quy định tại các điều từ Điều 64 đến Điều 67 của Bộ luật này.
Người được xoá án tích coi như chưa bị kết án và được Toà án cấp giấy chứng nhận.
Điều 64. Đương nhiên được xoá án tích
Những người sau đây đương nhiên được xoá án tích:
1. Người được miễn hình phạt.
2. Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật này, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
c) Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
d) Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.
Điều 66. Xoá án tích trong trường hợp đặc biệt
Trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú đề nghị, thì có thể được Toà án xoá án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định.
Vấn đề xóa án tích chỉ đặt ra sau khi con của bạn bị kết án. Căn cứ theo quy định tại Điều 64 Bộ luật hình sự 1999 thì kể từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án con của bạn không phạm tội mới trong thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự 1999 thì con của bạn sẽ được xóa án tích.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về hành vi trộm cắp tài sản lần đầu: 1900.6568
Tại Điều 119, Điều 166 và Điều 176 Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 có quy định các loại thời hạn như sau:
Điều 119. Thời hạn điều tra
1.Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá ba tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá bốn tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Điều 166. Thời hạn quyết định truy tố
1. Trong thời hạn hai mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra, Viện kiểm sát phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Trong trường hợp cần thiết, Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn, nhưng không quá mười ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng; không quá mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng; không quá ba mươi ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày ra một trong những quyết định nêu trên, Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can, người bào chữa biết; giao bản cáo trạng, quyết định đình chỉ vụ án hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án cho bị can. Người bào chữa được đọc bản cáo trạng, ghi chép, sao chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa theo quy định của pháp luật và đề xuất yêu cầu.
Điều 176. Thời hạn chuẩn bị xét xử
2. Trong thời hạn ba mươi ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng, bốn mươi lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng, hai tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng, ba tháng đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra một trong những quyết định sau đây:
a) Đưa vụ án ra xét xử ;
b) Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
c) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.
Đối với những vụ án phức tạp, Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không quá mười lăm ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá ba mươi ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp.
Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Toà án phải mở phiên toà; trong trường hợp có lý do chính đáng thì Toà án có thể mở phiên toà trong thời hạn ba mươi ngày.
Đối với vụ án được trả lại để điều tra bổ sung thì trong thời hạn mười lăm ngày sau khi nhận lại hồ sơ, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa phải ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Không rõ con của bạn đã bị khởi tố hay chưa, do vậy bạn có thể tham khảo các quy định về thời hạn theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự 2003 để biết rõ hơn thời gian giải quyết.