Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định phương tiện đo lường. Quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động.
Điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định phương tiện đo lường. Quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động.
Căn cứ quy định tại Điều 3, Nghị định 105/2016/NĐ-CP thì Điều kiện hoạt động của tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bao gồm:
Thứ nhất, Có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, Có đủ cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng các Điều kiện sau đây:
– Có mặt bằng làm việc, Điều kiện môi trường và Điều kiện khác theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm quy định.
– Có đủ chuẩn đo lường, phương tiện thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo yêu cầu của quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng. Các chuẩn đo lường và phương tiện đo này phải được định kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tại tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định hiệu chuẩn, thử nghiệm có lĩnh vực hoạt động phù hợp và được duy trì, bảo quản, sử dụng theo quy định của người đứng đầu tổ chức; giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải còn thời hạn có giá trị.
Thứ ba, Có đủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phù hợp với lĩnh vực đăng ký hoạt động.
Quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm do tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tự xây dựng, ban hành phải phù hợp với hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khuyến nghị quốc tế của Tổ chức đo lường pháp định quốc tế, tiêu chuẩn của Ủy ban kỹ thuật điện quốc tế, tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, tài liệu của nhà sản xuất có liên quan.
Thứ tư, Có ít nhất 02 nhân viên kỹ thuật cho mỗi lĩnh vực hoạt động. Các nhân viên kỹ thuật này phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Là viên chức hoặc lao động hợp đồng có thời hạn từ 12 tháng trở lên;
– Tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành kỹ thuật hoặc tương đương trở lên;
– Đã hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm tương ứng với lĩnh vực hoạt động và theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thứ năm, Đáp ứng các yêu cầu về tính độc lập, khách quan sau đây:
– Công khai, minh bạch quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng;
– Người đứng đầu tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải tuân thủ hệ thống quản lý, quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Nhân viên kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phải tuân thủ quy trình kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã công bố áp dụng và chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm đã thực hiện.
Thứ sáu, Đã thiết lập và duy trì hệ thống quản lý phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025 đối với hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường. Có văn bản của người đứng đầu tổ chức quy định: Quản lý chứng chỉ (tem, dấu, giấy chứng nhận) kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ (niêm phong, kẹp chì,…) phải thực hiện khi kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm để ngăn ngừa, phòng chống sự tác động làm thay đổi đặc tính kỹ thuật đo lường chính của phương tiện đo, chuẩn đo lường trong quá trình sử dụng.
Thứ bảy, Có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (sau đây viết tắt là giấy chứng nhận đăng ký) theo quy định tại Nghị định này.