Hỗ trợ tiền xây dựng sửa chữa nhà cho thương binh. Hồ sơ, thủ tục xin hưởng chế độ hỗ trợ xây dựng nhà ở.
Tóm tắt câu hỏi:
Hiện tôi đang là thương binh hạng A. năm 2013 tôi có xây 1 nhà và tôi cũng có ghe về việc xây dựng nhà mới và sữa nhà cũ với mức hổ trợ. Nhà mới 40 triệu nhà sữa lại 20 triệu. Do đó năm 2013 tôi có xây 1 căn nhà và cũng làm đơn như nghị quyết về luật hổ trợ lên xã, nhưng đến nay tôi chưa nhận được câu trả lời cuả xả. vậy nhân đây tôi mong tổ tư vấn luật hổ trợ giúp với ạ!!! ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp luật:
– Quyết định 22/2013/QĐ-TTg hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
– Thông tư 98/2013/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
* Nội dung:
Theo Điều 2 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg quy định đối tượng và điều kiện được hỗ trợ:
“Hộ gia đình được hỗ trợ theo quy định tại quyết định này phải có đủ các điều kiện sau:
1. Là hộ gia đình có người có công với cách mạng đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, bao gồm:
a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
c) Thân nhân liệt sỹ;
d) Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
đ) Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
e) Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
g) Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;
h) Bệnh binh;
i) Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
k) Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;
l) Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế;
m) Người có công giúp đỡ cách mạng.
2. Hộ đang ở nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây) với mức độ như sau:
a) Phải phá dỡ để xây mới nhà ở;
b) Phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.”
Theo Điều 3 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg quy định mức hỗ trợ như sau:
“Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) với mức sau:
1. Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nêu tại Điểm a Khoản 2 Điều 2 Quyết định này;
2. Hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nêu tại Điểm b Khoản 2 Điều 2 Quyết định này.”
Từ các quy định trên thì bạn là thương binh nên thuộc đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước về việc xây dựng nhà mới quy định của Nhà nước. Cụ thể bạn sẽ được hỗ trợ 40 triệu đồng theo khoản 1 Điều 3 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg như trên.
Tại Điều 7 Quyết định 22/2013/QĐ-TTg quy định thời gian và tiến độ thực hiện như sau:
“1. Trong năm 2013, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện cơ bản xong việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng theo đúng quy định của Quyết định này đối với khoảng 71.000 hộ (theo danh sách các địa phương đã báo cáo đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2012).
2. Trong năm 2014, các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này đối với các hộ thuộc diện được hỗ trợ nhưng các địa phương mới rà soát, thống kê, báo cáo năm 2013.”
>>>
Và theo Điều 5 Thông tư 98/2013/TT-BTC hướng dẫn cụ thể việc cấp phát kinh phí như sau:
“Điều 5. Lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí
Việc lập dự toán, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước. Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở theo quy định tại Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg mức hỗ trợ theo từng hộ và tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn gửi Phòng Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch và các cơ quan liên quan xét duyệt, tổng hợp trình UBND cấp huyện phê duyệt.
2. Căn cứ Quyết định phê duyệt của UBND cấp huyện về danh sách, mức hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và kinh phí hỗ trợ, Sở Xây dựng tổng hợp danh sách, mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng trên địa bàn địa phương gửi Sở Tài chính để thẩm định và làm cơ sở xác định nguồn kinh phí thực hiện (chi tiết theo nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ, ngân sách địa phương đảm bảo và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác), báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan xem xét trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí.
3. Căn cứ đề nghị hỗ trợ kinh phí của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Quyết định phê duyệt của UBND cấp tỉnh (kèm theo danh sách, mức hỗ trợ từng đối tượng theo địa bàn từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã), Bộ Tài chính xác định phần kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương theo quy định và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
4. Căn cứ kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ, bố trí của ngân sách địa phương và huy động đóng góp từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp Luật, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giao dự toán cho UBND cấp huyện để triển khai thực hiện (trong đó chi tiết nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước). UBND cấp huyện thực hiện phân bổ kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và cấp kinh phí uỷ quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc giao dự toán cho Ủy ban nhân dân cấp xã theo hình thức bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (kèm theo danh sách đối tượng được hỗ trợ về nhà ở, mức hỗ trợ từng hộ gia đình theo địa bàn từng xã).
UBND cấp xã thực hiện rút dự toán tại KBNN để tạm ứng lần đầu hoặc thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các hộ gia đình. Hồ sơ tạm ứng lần đầu gồm danh sách các hộ gia đình đề nghị tạm ứng và mức vốn đề nghị tạm ứng. Mức tạm ứng cho đối tượng tối đa không vượt quá 60% mức ngân sách nhà nước hỗ trợ. Việc tạm ứng cho các hộ gia đình trên cơ sở đề nghị của từng hộ gia đình theo
mẫu đề nghị tạm ứng (Phụ lục số 1 đính kèm).Sau khi có hồ sơ xác nhận khối lượng hoàn thành (xác định việc xây xong nhà hoặc sửa chữa xong nhà theo quy định của Bộ Xây dựng) của UBND xã (kèm theo bảng kê, ký nhận của hộ gia đình đã nhận tạm ứng, mức vốn còn lại đề nghị được thanh toán), KBNN thanh toán tiếp phần còn lại cho UBND cấp xã để chi trả cho các hộ gia đình; đồng thời chuyển từ tạm ứng sang thực chi ngân sách. Khi cấp tiếp số tiền còn lại cho các hộ gia đình, UBND xã lập bảng kê, ký nhận của hộ gia đình đã nhận kinh phí hỗ trợ về nhà ở để làm căn cứ quyết toán ngân sách theo quy định.
5. Kinh phí hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở được hạch toán, tổng hợp vào quyết toán ngân sách huyện (ngân sách huyện cấp kinh phí uỷ quyền cho ngân sách cấp xã) hoặc quyết toán ngân sách cấp xã (ngân sách huyện bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp xã) theo phân cấp ngân sách do UBND cấp tỉnh quyết định.
6. Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đảm bảo số tiền hỗ trợ theo đúng danh sách phê duyệt của UBND cấp huyện và mức hỗ trợ theo quy định.”
Như vậy, đến nay là khoảng 3 năm bạn vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. Căn cứ theo quy định trên thì nguồn vốn thực hiện bao gồm ngân sách trung ướng và vốn ngân sách địa phương. Theo quy định thì sau khi có hồ sơ xác nhận khối lượng hoàn thành (xác định việc xây xong nhà theo quy định của Bộ xây dựng) của Ủy ban nhân dân xã (kèm theo bảng kê, kỳ nhận của hộ gia đình đã nhận tạm ứng, mức vốn còn lại đề nghị được thanh toán). Kho bạc nhà nước thanh toán tiếp phần còn lại cho Ủy ban nhân dân cấp xã để chi trả cho hộ gia đình, đồng thời chuyển từ tạm ứng sang chi ngân sách. Khi cấp tiếp số tiền còn lại cho các hộ gia đình, Ủy bân nhân dân xã lập bảng kể, kỳ nhận của hộ gia đình đã nhận kinh phí hỗ trợ về nhà ở để làm căn cứ quyết toán ngân sách theo quy định.
Trong trường hợp bạn đã làm đơn lên Ủy bân nhân dân xã (phường) đề nghị được hưởng hỗ trợ nhưng chưa được giải quyết thì bạn nên đến trực tiếp Ủy ban nhân dân xã (phường) nơi bạn đăng ký thường trú để được giải quyết.