Xử lý bưu gửi không có người nhận. Nguyên tắc và trình tự xử lý bưu gửi không có người nhận.
Xác định bưu gửi không có người nhận. Bưu gửi không phát được cho người nhận và bưu gửi không hoàn trả được cho người gửi.
Hiện nay, việc sử dụng dịch vụ gửi, nhận bưu phẩm diễn ra khá phổ biển, song trên thực tế, vẫn có nhiều trường hợp bưu gửi nhưng không có người nhận. Vậy vấn đề đặt ra là bưu gửi này được xử lý như thế nào? Thông tư liên tịch 18/2015/TTLT-BTTTT-BTC hướng dẫn xử lý bưu gửi không có người nhận quy định về các xác định bưu gửi không có người nhận như sau:
– Bưu gửi mà người nhận từ chối nhận và người gửi cũng từ chối nhận lại (sau đây gọi là bưu gửi bị từ chối nhận).
– Bưu gửi không phát được cho người nhận và không hoàn trả được cho người gửi sau thời hạn 06 tháng kể từ ngày bưu gửi được chấp nhận, trừ trường hợp bưu gửi bị từ chối nhận. Thời hạn này bao gồm thời gian công khai thông tin
* Bưu gửi không phát được cho người nhận là bưu gửi thuộc các trường hợp sau:
Không có địa chỉ người nhận; địa chỉ người nhận không đầy đủ hoặc không đúng;
+ Người nhận đã thay đổi địa chỉ nhưng không để lại địa chỉ mới;
+ Không tìm được người nhận tại địa chỉ đã ghi;
+ Sau khi không thực hiện được việc phát, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đã mời tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 02 ngày làm việc, nhưng người nhận không đến nhận;
+ Người nhận từ chối nhận
*Bưu gửi không hoàn trả được cho người gửi được xác định là:
+ Không có địa chỉ người gửi; địa chỉ người gửi không đầy đủ hoặc không đúng;
+ Người gửi đã thay đổi địa chỉ nhưng không để lại địa chỉ mới;
+ Không tìm được người gửi tại địa chỉ đã ghi trên bưu gửi;
+ Sau khi không thực hiện được việc phát, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính đã mời tối thiểu hai lần, mỗi lần cách nhau 02 ngày làm việc, nhưng người gửi không đến nhận;
+ Người gửi từ chối nhận lại
Căn cứ để xác định bưu gửi không có người nhận gồm các nội dung chính sau đây:
- Trường hợp bưu gửi bị từ chối nhận :
+ Thông tin xác định thời gian bưu gửi bị từ chối nhận;
+ Thông tin về bưu gửi bị từ chối nhận (số hiệu bưu gửi (nếu có), ký hiệu đặc thù của bưu gửi; họ tên, địa chỉ của người gửi, người nhận trên bưu gửi và các thông tin khác có liên quan);
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
+ Chữ ký, họ tên đầy đủ, thông tin về chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ xác định nhân thân của người từ chối nhận bưu gửi. Trường hợp người từ chối nhận là tổ chức thì phải có dấu, chữ ký, họ tên đầy đủ của người đại diện có thẩm quyền của tổ chức đó.
– Trường hợp bưu gửi không phát được:
+ Lý do bưu gửi không phát được;
+ Chữ ký, họ tên đầy đủ của nhân viên thực hiện việc phát bưu gửi đó.
– Trường hợp người gửi có chỉ dẫn bằng văn bản về việc từ chối nhận lại khi không phát được bưu gửi cho người nhận thì tài liệu này được coi là căn cứ xác định việc người gửi từ chối nhận lại.