Tố cáo hành vi đổ nước thải sả sang sân nhà bên cạnh. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Tố cáo hành vi đổ nước thải sả sang sân nhà bên cạnh. Hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác phải chịu trách nhiệm như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào Luật sư. Tôi xây dựng nhà từ năm 2000, lúc đó tôi và hàng xóm sống hòa thuận với nhau, tuy nhiên một thời gian sau hai nhà xảy ra xích mích không còn được hòa thuận nữa thì họ thường bội nhọ danh dự tôi, làm ảnh hưởng xấu đến vợ chồng tôi trong một thời gian dài. Vì niệm tình và không muốn phiền phức chồng tôi kêu bỏ qua nên tôi chưa thể kiện họ. Tuy nhiên không dừng lại ở đó, họ còn trồng cây cối sát vách nhà tôi, nuôi cá cảnh, khoét vách nhà tôi làm nhà tôi bị thấm và mục vách tường suốt 4 năm. Tôi có làm đơn gửi lên UBND xã Tân Hiệp để họ giải quyết thì họ xây vách lên đồng thời lại tráng xi măng trong đường hẻm nhà họ, cố tình đổ nước ra xân nhà tôi. Khi tôi nói chuyện với họ thì họ bảo làm vậy vì tôi đi thưa họ, giờ bị đổ nước ra sân thì ráng chịu. Ngày nào trước sân của tôi cũng dơ dáy, không thể quét được, đóng rong rêu đọng nước lâu ngày bốc mùi vào nhà rất khó chịu. Tôi tráng xi măng nâng nền cao lên thì họ không cho, gọi điện báo cho môi trường nhưng cả tuần rồi không ai chịu giải quyết. Họ nói tôi cứ thưa đi ai mà giải quyết, trong khi gia đình họ là Đang viên nữa. Vậy xin hỏi luật sư họ có phạm tội gì không? sẽ bị xử phạt thế nào và tôi nên làm gì trong trường hợp này. XIn chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn:
Tình huống này của bạn có những vấn đề sau đây cần giải quyết:
– Xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
– Cố ý hủy hoại làm hư hỏng tài sản của người khác
– Để nước thải chảy sang bất động sản của người khác.
– Xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo của người khác
LUẬT DƯƠNG GIA xin tư vấn lần lượt các vấn đề như sau:
Thứ nhất: Xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác.
Hệ thống luật pháp nước ta có rất nhiều quy định của pháp luật trong việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm của người dân.
– Điều 20, Luật Hiến pháp 2013 có quy định:
"Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."
– Điều 37, Bộ Luật Dân sự 2005: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ."
Trong trường hợp này, bạn có trình bày: Danh dự của bạn bị hàng xóm bôi nhọ trong một thời gian dài gây ảnh hưởng xấu đến vợ chồng bạn thì theo Khoản 1, Điều 604, Bộ Luật Dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: "Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường." và mức bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm phạm được quy định tại điều 611 Bộ Luật dân sự 2005 và hướng dẫn cụ thể tại Mục 3 Nghị quyết 03/2006/NQ-HDTP:
"3. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm gồm có thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, uy tín của tổ chức bị xâm phạm.
3.1. Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại bao gồm: chi phí cần thiết cho việc thu hồi ấn phẩm có nội dung xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị thiệt hại; chi phí cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; tiền tàu, xe đi lại, thuê nhà trọ (nếu có) theo giá trung bình ở địa phương nơi thực hiện việc chi phí để yêu cầu cơ quan chức năng xác minh sự việc, cải chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi phí tổ chức xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại và các chi phí thực tế, cần thiết khác để hạn chế, khắc phục thiệt hại (nếu có).
3.2. Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
a) Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm có thu nhập thực tế, nhưng do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm người bị xâm phạm phải thực hiện những công việc để hạn chế, khắc phục thiệt hại, nên khoản thu nhập thực tế của họ bị mất hoặc bị giảm sút, thì họ được bồi thường khoản thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút đó.
b) Việc xác định thu nhập thực tế của người bị xâm phạm và việc xác định thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị xâm phạm được thực hiện theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục 1 Phần II này.
3.3. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
a) Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được bồi thường cho chính người bị xâm phạm.
b) Trong mọi trường hợp khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, người bị xâm phạm được bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần. Cần căn cứ vào hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 1.1 mục 1 Phần I Nghị quyết này để xác định mức độ tổn thất về tinh thần của người bị xâm hại. Việc xác định mức độ tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào hình thức xâm phạm (bằng lời nói hay đăng trên báo viết hay báo hình…), hành vi xâm phạm, mức độ lan truyền thông tin xúc phạm…
c) Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần, nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường".
4. Thời gian hưởng bồi thường thiệt hại do sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm (Điều 612 BLDS)
a) Trong trường hợp người bị thiệt hại mất hoàn toàn khả năng lao động, thì người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền bồi thường được hướng dẫn tại điểm a tiểu mục 1.4 mục 1 Phần II này cho đến khi chết.
b) Đối với việc cấp dưỡng được hướng dẫn tại tiểu mục 2.3 mục 2 Phần II này chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 61 Luật Hôn nhân và gia đình."
– Nếu như một người xúc phạm nghiêm trọng danh dự nhân phẩm của người khác hoặc thực hiện hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác nhiều lần thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 121, Bộ Luật Hình sự năm 1999:
"Điều 121. Tội làm nhục người khác.
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Đối với nhiều người;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm."
Theo đó phải tùy theo mức độ vi phạm của hàng xóm của bạn mà có thể áp dụng quy định của Bộ Luật dân sự 2005 hoặc Bộ Luật hình sự 1999 để có những hình phạt và mức xử lý cụ thể.
Thứ hai: Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Căn cứ Điều 143, Bộ Luật Hình sự sửa đổi bổ sung 2009:
"Điều 143. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng;
d) Để che giấu tội phạm khác;
đ) Vì lý do công vụ của người bị hại;
e) Tái phạm nguy hiểm;
g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm"
Trong trường hợp này Nếu như bạn chứng minh được rằng việc nuôi cá cảnh , đục khoét tường nhà bạn gây thiệt hại cho bạn với mức độ từ 2 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng mà gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà bạn như tường bị rạn nứt, có thể gây đổi sụp ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của bạn thì người hàng xóm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cải tạo không giam giữ đên 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến ba năm. Nếu không thì bạn có thể được bồi thường thiệt hại Ngoài hợp đồng khi tài sản bị xâm phạm theo điều 608 Bộ luật Dân sự 2005. Đồng thời nếu như cây cối được nhà hàng xóm trồng sát vách nhà bạn mà gây ra thiệt hại cho gia đình bạn thì Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gẫy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng (Quy định cụ thể tại Điều 626, Bộ luật Dân sự 2005).
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba: Để cho nước thải chảy sang bất động sản của người khác.
Căn cứ Điều 270, Bộ luật Dân sự 2005 quy định:
"Điều 270. Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước thải
Chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường."
Theo đó chủ sở hữu nhà phải làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định sao cho nước thải không được chảy sang bất động sản của nhà bên cạnh. Trong trường hợp này bạn cần xác định nhà hàng xóm có xây cống nước ngầm hoặc rãnh thoát nước không và hành vi để nước thải chảy qua nhà bạn là hành vi cố ý hay vô tình. Việc để nước thải chảy qua nhà bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do làm ô nhiễm môi trường theo quy định tại Điều 270 Bộ Luật Dân sự 2005.
Thứ tư: Xâm phạm đến quyền Khiếu nại tố cáo của người khác.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 30, Hiến Pháp 2013 quy định:
"1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân."
Do vậy không ai có quyền ngăn cản người dân khiếu nại, tố cáo với cơ quan tổ chức có thẩm quyền. Người có hành vi trả thù người khiếu nại, tố cáo sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Vì bạn có hành vi khiếu nại tố cáo với cơ quan có thẩm quyền mà bị hàng xóm xả nước thải sang nhà mình và nhà hàng xóm cũng có lời nói chứng mình hành vi trả thù việc khiếu nại đó nên bạn có thể khiếu nại với cơ quan công an để được giải quyết.
Trong trường hợp này của bạn bạn có thể khởi kiện hàng xóm của bạn với hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hại tài sản, xúc phạm danh dự nhân phẩm, để nước thải chảy qua nhà bạn… hoặc bạn có thể tố giác với cơ quan công an về những hành vi vi phạm quy định của Bộ Luật hình sự 1999, Bộ Luật hình sư sửa đổi 2009 để được truy cứu trách nhiệm hình sự.