Thủ tục xác nhận bệnh binh. Sĩ quan quân đội đã phục viên muốn xác nhận là bệnh binh thì phải làm thế nào?
Thủ tục xác nhận bệnh binh. Sĩ quan quân đội đã phục viên muốn xác nhận là bệnh binh thì phải làm thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Bố em là sỹ quan quân đội phục viên, khi về được giám định bệnh binh 61%, chức vụ trung úy, nhưng bố em không đồng ý và về không có có giấy chứng nhận bệnh binh chỉ có giấy giám định của viện 108 nhưng đã mất giấy tờ. Bây giờ bố em muốn làm lại thì thủ tục ra sao ạ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Điều kiện để được xác nhận bệnh binh khi xuất ngũ.
Căn cứ vào Điều 35 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định về hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi thì để được cấp giấy chứng nhận bệnh binh thì cần có giấy tờ sau:
1. Giấy chứng nhận bệnh tật.
2. Biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa.
3. Quyết định cấp Giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật.
Trong trường hợp này, bố bạn muốn làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận bệnh binh thì bố bạn cần có giấy chứng nhận bệnh tật, biên bản giám định bệnh tật của Hội đồng giám định y khoa và quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp bệnh tật.
Căn cứ vào Khoản 1 Điều 33 Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định về điều kiện để xác nhận bệnh binh như sau:
a) Chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;
b) Trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu;
c) Hoạt động liên tục ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 15 tháng trở lên;
d) Hoạt động ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật chưa đủ 15 tháng nhưng có đủ 10 năm trở lên công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân;
đ) Làm nghĩa vụ quốc tế mà mắc bệnh trong khi thực hiện nhiệm vụ. Trường hợp mắc bệnh trong khi học tập, tham quan, du lịch, an dưỡng, chữa bệnh, thăm viếng hữu nghị; làm việc theo hợp đồng kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, lao động thì không thuộc diện xem xét xác nhận là bệnh binh;
e) Thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh;
g) Khi đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
h) Mắc bệnh do một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c, đ Khoản này đã xuất ngũ mà bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần;
i) Đã có đủ 15 năm công tác trong quân đội nhân dân, công an nhân dân nhưng không đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí.
Trong trường hợp bố bạn bị mất giấy giám định của bệnh viện 108 thì sau khi bố bạn xuất ngũ trong trường hợp bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần thì bố bạn sẽ có đủ điều kiện để xác nhận bệnh binh và có căn cứ để được cấp giấy chứng nhận bệnh tật và các giấy tờ khác cần thiết.
Căn cứ Khoản 2 Điều 25 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định về các giấy tờ làm căn cứ để cấp giấy chứng nhận bệnh tật.
2. Trường hợp quy định tại Điểm h Khoản 1 Điều 33 của Nghị định căn cứ vào các giấy tờ sau:
a) Một trong các giấy tờ quy định tại Điểm a, b, d Khoản 1 Điều này.
Trường hợp sau khi xuất ngũ mà bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần làm mất năng lực hành vi thì căn cứ xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Các giấy tờ được cấp trong thời gian tại ngũ có ghi mắc bệnh kèm bệnh án điều trị tâm thần do bệnh cũ tái phát của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên.
Trường hợp sau khi xuất ngũ mà bệnh cũ tái phát dẫn đến tâm thần làm mất năng lực hành vi thì căn cứ vào bệnh án điều trị của bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên;
c) Quyết định phục viên hoặc quyết định xuất ngũ.
Trường hợp không còn quyết định thì phải có giấy xác nhận của Ban Chỉ huy quân sự huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công an.
d) Biên bản đề nghị xác nhận bệnh binh của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người mắc bệnh cư trú (Mẫu BB4).
Ngoài các giấy tờ mà bố bạn còn giữ nêu trên thì giấy giám định của viên 108 đã bị thất lạc thì bố bạn có thể đến viện 108 yêu cầu cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án làm căn cứ để được cấp giấy chứng nhận bệnh tật căn cứ vào điểm c Khoản 4 Điều 59 và khoản 1 Điều 11 Luật khám bệnh chữa bệnh 2009 quy định như sau:
Điều 11. Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh
1. Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Điều 59. Hồ sơ bệnh án
4. Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc cho phép khai thác hồ sơ bệnh án trong các trường hợp sau đây:
c) Người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Thủ tục cấp giấy chứng nhận bệnh binh sau khi xuất ngũ.
Căn cứ vào Khoản 2 Điều 26 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận bệnh binh và giải quyết chế độ như sau:
+ Gia đình bạn làm đơn đề nghị để nghị giải quyết chế độ kèm giấy tờ để nghị giải quyết chế độ kèm giấy tờ quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 25 của Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;
+ Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đơn có trách nhiệm xác minh, lập biên bản đề nghị xác nhận bệnh binh kèm giấy tờ quy định tại Điểm a Khoản này gửi Ban Chỉ huy quân sự huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công an;
+ Ban Chỉ huy quân sự huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Bộ Công an trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ quy định tại Điểm b Khoản này, có trách nhiệm kiểm tra, cấp giấy xác nhận về thời gian phục vụ trong quân đội, công an (trong trường hợp không còn quyết định phục viên hoặc xuất ngũ); chuyển các giấy tờ đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bệnh tật theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an;
+ Cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo quy định của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận bệnh tật và giới thiệu ra Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền;
+ Cơ quan có thẩm quyền của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an căn cứ biên bản kết luận của Hội đồng giám định y khoa để ra quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp; chuyển đến cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh cư trú để thực hiện chế độ ưu đãi.