Trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường do gây thiệt hại về tài sản cho người khác. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tóm tắt câu hỏi:
Con trai tôi 8 tuổi, vào showroom xe môto của 1 thương hiệu nổi tiếng chơi cùng với ba vào Chủ Nhật. Đến thứ 2 thì nhân viên showroom mời ba cháu lên nói chuyện nhưng không nói rõ lí do nên ba cháu không đến. Hôm sau (thứ 3) họ liên hệ và mời chồng tôi đến và chiếu cho xem 3 đoạn camera, trong clip thấy cháu táy máy tay vọc bình xăng của 3 xe khác nhau, nhưng thấy cháu vọc ngón tay trên bình xăng chứ không rõ đang làm gì và cầm gì trong tay. Và họ chỉ chồng tôi 3 vệt trên bình xăng, nếu không chỉ thì không thấy vì rất mờ nhạt, chỉ cấn đánh bóng sẽ không thấy dấu vết nữa. Nhưng họ yêu cầu phải nhập bình xăng về thay mới vì chính sách công ty không được sửa chữa làm mới vì làm vậy là lừa đảo người mua xe. Và tổng chi phí thay mới 3 thùng xăng là khoảng 125 triệu, sau đó họ nói giảm cho 20% còn 100 triệu và nếu mua 1 xe mới tại cửa hàng thì giảm mức bồi thuờng xuống 50%. Ông xã tôi cực kỳ căng thẳng và phạt con trai rất nặng vì tội thiếu ý thức. Nhưng thật sự, xem camera tôi không thấy cháu có hành vi nghịch ngợm mà chỉ là hành động táy máy tay chân rất bình thường, không chút mạnh bạo hay sức lực gì của 1 đứa trẻ 7-8 tuổi. Trong trường hợp này, tôi thấy vô lý, bức xúc và oan ức cho con trai tôi. Xin hỏi nếu tôi không đồng ý đền bù dù chỉ 1 đồng thì có phạm pháp hay bị truy tố gì không? Xin bổ sung thêm showroom trưng bày xe để ngồi thử, không có biển cấm trẻ em, không có biến cấm sờ vào mà còn cho lên ngồi thử (chỉ cần 1 ông mặc quần jean cài nút vào bình xăng thì có thể tạo vệt xướt tương tự). Rất mong nhận được tư vấn của Luật Dương Gia.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Căn cứ Điều 307 Bộ luật dân sự 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại bao gồm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất, trách nhiệm bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần.
2. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất vật chất thực tế, tính được thành tiền do bên vi phạm gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
3. Người gây thiệt hại về tinh thần cho người khác do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì ngoài việc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai còn phải bồi thường một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại."
Căn cứ Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó."
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, nếu bên cửa hàng có chứng cứ chứng minh việc gây thiệt hại tài sản của họ do con chị gây ra thì bên phía cửa hàng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Căn cứ Điều 606 Bộ luật dân sự 2005 quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân như sau:
"1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường."
Như vậy, do con bạn 8 tuổi, thì bố mẹ sẽ có trách nhiệm bồi thường thay cho con.
Nếu chị không đồng ý với những chứng cứ cửa hàng đưa ra, chị có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi cửa hàng có trụ sở để yêu cầu giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại.