Yêu cầu con cái cấp dưỡng cho mẹ già. Làm thế nào để yêu cầu con cái cấp dưỡng cho mẹ già.
Yêu cầu con cái cấp dưỡng cho mẹ già. Làm thế nào để yêu cầu con cái cấp dưỡng cho mẹ già.
Tóm tắt câu hỏi:
Kính chào luật sư! Kính mong luật sư hướng dẫn giúp tôi về hoàn cảnh sự việc của tôi cần phải giải quyết như thế nào cho thỏa đáng? Tôi là con út trong gia đình, má tôi có 6 người con gồm 4 trai và 2 gái. Nhà tôi ở chung với nhau trừ người thứ 2 và người thứ 4 thì sống riêng. Năm 2005, má tôi ngừng lao động (buôn bán gà vịt làm sẵn) vì sức khỏe không có và tình hình buôn bán ế ẩm, trước thời gian này khoảng 3 năm thì việc buôn bán đã không tốt do tình hình dịch cúm gia cầm có xu hướng bùng phát. Bản thân tôi đầu năm 2003 tôi bắt đầu đi làm và mọi thu nhập tôi đều gởi cho má hàng tháng để má lo việc trong ngoài gia đình. Đồng thời, tất cả công việc nhà tôi đều quán xuyến (thời đó khu vực nhà tôi không có nước để sử dụng, mỗi ngày tôi phải đi đẩy 2 thùng phi nước và xách từng thùng nước từ ngoài trước vào tận nhà sau). Đến năm 2012 tôi lập gia đình, do tôi không đi làm và trong năm này tôi sống ở nhà chồng nên không gởi tiền cho má tôi (đúng 1 năm). Vì cuộc sống ở nhà chồng không tốt nên đầu năm 2013 tôi trở về nhà sinh sống và đi làm trở lại. Đồng thời, tôi lại tiếp tục chu cấp cho gia đình tôi. Nhưng ngay thời điểm tôi trở về nhà thì người anh thứ 3 và thứ 5 đã đuổi tôi ra khỏi nhà, cho nên mặc dù có chu cấp nhưng ở được 2 tháng thì tôi phải đi ra đường ở trọ mà sinh sống. Tuy nhiên, biết má tôi không ai lo nên tôi vẫn cố gắng gởi về cho má 500.000 đ mỗi tháng. Đầu năm 2015, má tôi kêu tôi bỏ tiền ra xây phòng ở nhà để về nhà ở (tôi đã xây căn phòng đó với số tiền là 45.000.000đ), và đang ở đến hiện nay. Mọi việc trong nhà tôi đều do âm mưu chiếm đoạt tài sản của người thứ 4 mà ra, người này đã kích động lòng tham của từng người trong nhà xúi tôi đuổi chị ruột tôi ra khỏi nhà (nhưng tôi đã không làm điều đó). Xúi má tôi kêu tôi xây phòng để cho hắn ta chiếm đoạt căn nhà có giá trị hơn, xúi người anh thứ 3 sữa chữa nhà và xây thêm sân thượng cho nhà có giá trị hơn nữa xúi người anh thứ 3 và thứ 5 đuổi tôi và chị tôi ra khỏi nhà và họ đã làm điều này (nhiều lần đánh đập và đòi đuổi tôi đi). Do không hiểu biết khi gia đình chồng hà khắc chị tôi quẫn trí không biết đi đâu vì không thể về nhà do người anh thứ 3 và thứ 5 vì tham lam mà nghe lời xúi của người thứ 4 mà đuổi chị tôi ra khỏi nhà, chị tôi đã kiếm 1 người đàn ông khác để họ bao bọc và đã đi mất tích từ năm 2015 đến nay. Còn người anh thứ 3 thì đầu năm 2005 đến hết năm 2006 cho má tôi 500.000 đ mỗi tháng, cho đến đầu năm 2007 thì ngưng hẳn (chỉ 2 năm). Đến năm 2012 hắn mới cho lại vì năm 2012 là tôi đi về nhà chồng để ở và năm 2013 hắn đuổi tôi ra khỏi nhà (tôi phải ở trọ suốt 2 năm). Trong thời gian này hắn cho má 500.000đ/tháng và tiền điện 500.000đ/tháng. Cho đến đầu năm 2015 má tôi kêu tôi bỏ tiền ra xây phòng về ở thì hắn bắt đầu ra ở riêng và rút tiền chu cấp lại chỉ còn 500.000đ. Người anh thứ 2: Mặc dù sống xa gia đình từ năm 18 tuổi nhưng sau này anh 2 có tiền vẫn chu cấp cho má để cùng má lo cho gia đình (thời điểm đó anh 2 làm được việc nên chu cấp hàng tháng đều đặn và khá nhiều tiền bắt đầu khoảng từ năm 1997 đến năm 2002 số tiền cho má 1.000.000/tháng và cho ba 500.000/tháng (cuối năm 2000 ba tôi mất). Người thứ 4, người thứ 5, và người chị: Chẳng cho má, chẳng lo gì cho gia đình. Thời gian này gia đình tôi náo loạn lên vì vậy tôi mới biết rõ âm mưu của người thứ 4, hắn cho là thời điểm này là thích hợp để hắn đòi đuổi tất cả ra khỏi nhà, đòi bức tử má tôi để sớm ngày hưởng của thừa kế với lí do rằng hắn có cháu đích tôn (hắn sinh ra 1 thằng bán nam bán nữ sinh năm 1994). Khi hắn thấy chưa thể chiếm đoạt được vì hắn cho rằng người anh thứ 5 là người con trai út nên hắn đã đem thằng con bê đê của hắn về nhà má tôi hung hăng hoành hành đe dọa má tôi và đánh đập tôi nhằm bức tử má tôi vì má tôi bị bệnh suy tim cấp độ 2 và bệnh parkingson nên tinh thần rất yếu và dễ làm mệt. Vì lo cho má và thấy chuyện nhà cấp bách nên tôi đã nhiều lần chạy ra nhà người anh thứ 2 báo rất nhiều lần, vì tôi nghĩ quyền huynh thế phụ. Thật không ngờ anh 2 của tôi nghe lời xuyên tạc không đúng sự thật từ người thứ 3 (người thứ 3 nghe lời xuyên tạc từ người thứ 4 vì người thứ 4 biết người thứ 2 luôn nghe lời người thứ 3). Vì bức xúc trước sự thật và quan trọng là hôm đó má tôi bị thằng con bê đê của người thứ 4 đe dọa nên má tôi thân 1 mình đón xe buýt từ nhà ở khu vực bệnh viện triều an ra tận chợ Bà Chiểu (nhà anh 2) để trình bày sự thật (hôm đó tôi không hay biết má tôi vì sợ đe dọa mà 1 mình ra nhà anh 2). Việc đe dọa này và việc bức tử má tôi xảy ra hàng ngày và rất nhiều lần vì ngày nào nó cũng vô nhà má tôi trong suốt từ đầu năm 2015 đến hiện nay. Trong khi trước đó từ năm 2010 là chính hắn (người thứ 4) đã bắt đầu đay nghiến, bức tử má tôi hàng ngày hắn vô nhà má tôi để làm điều này. Vì hắn cho rằng bắt đầu từ năm 2010 là đúng 10 năm ba tôi mất và tài sản này không thể bán đi mà phải thuộc quyền sở hữu của hắn. Cho đến khi mọi sự việc xảy ra tôi mới hiểu tôi là người biết chuyện gia đình sau cùng rằng tờ chủ quyền nhà hiện nay được ghi rõ là má tôi chỉ là người đại diện, tất cả những người con trong gia đình đều có quyền sở hữu. Sau khi nhận biết mọi sự việc, tôi thực sự bức xúc, má tôi cả một đời cực khổ lo cho con, căn nhà má tôi từ năm 2005 trở về trước là má tôi đứng chủ quyền vì ngày xưa ông ngoại tôi đã cho má tiền để mua căn nhà này. Chỉ vì người thứ 4 và người thứ 5 đòi lấy trọn nên má tôi sợ và khi giải tỏa nhà về nơi định cư mới (chổ ở hiện nay), khi chính quyền làm giấy tờ nhà má đã khai rằng má muốn để lại nhà cửa cho tất cả các con và chính quyền đã làm thành tờ chủ quyền nhà như hiện nay. Bây giờ tôi mong muốn má tôi sống tuổi già bình yên cho đến khi mất. Thời gian này má tôi không còn sức lao động và thường xuyên nhập viện. Bắt đầu từ tháng 3/2016, tôi đã yêu cầu tất cả các anh em trong nhà mỗi người đóng 500.000 đ/tháng (người mất tích đó là chị tôi thì khi bán nhà sẽ trừ vào tiền nhà của chị tôi). Sẽ đóng tiền cho đến khi bán được nhà, khi má có được số tiền dưỡng già thì mới thôi. Người thứ 4 và thứ 5 không chịu bán nhà trong lúc má tôi còn sống vì má tôi sẽ hưởng được 50% + 1/7 giá trị căn nhà. Họ có ý định bán nhà khi bức tử má tôi xong, bằng cách không đưa tiền cho má và không ký tên đồng ý bán nhà. Bắt đầu từ tháng 3/2016 đến nay họ chỉ đưa tiền vào tháng 3/2016, còn từ tháng 4/2016 đến nay họ không đưa tiền (chỉ có tôi, anh 2, người thứ 3 là đưa tiền). Xin luật sư hãy chỉ dẫn giúp tôi làm sao để khởi kiện người thứ 4 và thứ 5 buộc họ phải thanh toán cho má tôi số tiền họ chưa đưa cho má (người thứ 4: 4 tháng, người thứ 5: 3 tháng), buộc phải thực hiện qui định chung về việc lo cho má là mỗi người phải hùn 500.000 đ/tháng cho đến khi tài sản chung được chia ra? Và làm sao để có qui định chung rằng mỗi một người, mỗi tháng phải hùn cho má 500.000 vnđ/tháng và mỗi khi má tôi bệnh nhập viện thì tổng tiền hùn được trong tháng sẽ lấy ra thanh toán nhưng phải chừa lại phòng thân cho má 1.000.000 vnđ, số tiền còn lại dùng để thannh toán tổng chi phí (dư thì trả lại cho má, thiếu thì chia đều ra mà hùn), song song đó thì phải thay phiên nhau trực ca, ca người nào người đó tự lấy tiền túi ra mua đồ ăn và sữa cho má (nếu người nào bỏ ca thì số tiền mua đồ ăn và công sẽ được qui đổi thành tiền và nhân lên gấp đôi). Làm sao để bán được nhà để má tôi có số tiền để dưỡng già?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cở sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, khởi kiện yêu cầu người thứ 4 và thứ 5 phải thanh toán cho má tôi số tiền họ chưa đưa cho mẹ
Tại Luật hôn nhân gia đình 2014 có quy định:
Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Điều 109. Nhiều người cùng cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người
Trong trường hợp nhiều người cùng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho một người hoặc cho nhiều người thì những người này thỏa thuận với nhau về phương thức và mức đóng góp phù hợp với thu nhập, khả năng thực tế của mỗi người và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Điều 111. Nghĩa vụ cấp dưỡng của con đối với cha, mẹ
Con đã thành niên không sống chung với cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha, mẹ trong trường hợp cha, mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
Theo như bạn trình bày, thì các anh chị em trong gia đình bạn có thỏa thuận với nhau mỗi người sẽ cấp dưỡng cho mẹ là 500.000 đồng/ tháng. Nhưng người thứ 4 và người thứ 5 không thực hiện nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận, cụ thể là người thứ 4 không thực hiện nghĩa vụ 4 tháng, người thứ 5 không thực hiện nghĩa vụ 3 tháng. Vậy trong trường hợp này, mẹ bạn có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Thứ hai, làm sao để có qui định chung rằng mỗi người phải cấp dưỡng cho mẹ 500.000 đồng/tháng
Bạn có mong muốn rằng mỗi một người, mỗi tháng phải cho mẹ 500.000 đồng và mỗi khi mẹ nhập viện thì tổng tiền đóng góp được trong tháng sẽ lấy ra thanh toán nhưng phải chừa lại phòng thân cho mẹ 1.000.000 đồng, số tiền còn lại dùng để thannh toán tổng chi phí (thừa thì trả lại cho mẹ, thiếu thì chia đều ra đóng), cùng với đó thì phải thay phiên nhau trực ca, ca người nào người đó tự lấy tiền túi ra mua đồ ăn và sữa cho mẹ (nếu người nào bỏ tiền mua đồ ăn, sữa thì sẽ được qui đổi thành tiền và nhân lên gấp đôi. Việc chăm sóc cha, mẹ lúc ốm đau là nghĩa vụ của các con, nhưng nếu bạn muốn đảm bảo việc chăm sóc được thống nhất và tránh tình trạng có người không chăm sóc mẹ thì giữa bạn và các anh chị em trong gia đình có thể họp gia đình và thỏa thuận với nhau về quyền, nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu có người nào đó không thực hiện nghĩa vụ thì mẹ của bạn hoặc người giám hộ của mẹ bạn có quyền yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ.
Thứ ba, làm sao để bán được nhà để má tôi có số tiền để dưỡng già
Theo thông tin bạn trình bày, căn nhà là do ngày trước ông bà ngoại của bạn cho mẹ của bạn tiền để mua từ năm 2005. Bạn cần xác định rõ là mẹ bạn đã nhập căn nhà là tài sản chung của bố và mẹ bạn hay chưa? Trong trường hợp mẹ bạn chứng minh được việc căn nhà có được là do ông bà ngoại cho tiền để mua và không sáp nhập vào tài sản chung của vợ chồng thì mẹ của bạn có quyền định đoạt 100% căn nhà này. Trong trường hợp đã sáp nhập thì được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Do đó, năm 2000 cha của bạn mất thì ½ căn nhà sẽ được xác định là di sản của cha bạn để lại, ½ căn nhà sẽ thuộc quyền sở hữu của mẹ bạn. Khi chia di sản của bố bạn để lại (1/2 căn nhà) sẽ chia thành 7 phần bằng nhau (mẹ bạn hưởng 1/7, 6 người còn lại mỗi người hưởng 1/7). Bạn cần lưu ý rằng, mẹ bạn có quyền bán ½ căn nhà và không phụ thuộc vào sự đồng ý hay ký tên của người thứ tư và người thứ 5.
Điều 197 Bộ luật dân sự 2005 có quy định quyền định đoạt của chủ sở hữu như sau:
Điều 197. Quyền định đoạt của chủ sở hữu
Chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Theo đó, ½ căn nhà mẹ bạn sẽ có quyền bán, để lại, tặng cho ai là quyền của mẹ bạn người thứ 4 và người thứ 5 không có quyền can thiệp. Đối với ½ căn nhà của bố bạn để lại, thì sau 10 năm, kể từ khi bố bạn mất không có ai có ý kiến gì thì ½ căn nhà được xác định là tài sản chung của 7 người( mẹ của bạn và 6 người con). Do vậy, nếu nay mà mẹ bạn muốn bán phần hưởng di sản do bố bạn để lại mà không cần sự đòng ý của người thứ 4 và người thứ 5 thì cần tiến hành như sau :
+ Làm đơn yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung.
+ Sau khi Tòa án đã có quyết định phân chia tài sản chung thì phần mà mẹ của bạn được hưởng, mẹ bạn đã tuân thủ đầy đủ các quy định về đăng ký tài sản,… thì mẹ bạn có quyền bán mà không cần sự đồng ý của người thứ 4 và người thứ 5.