Hỏi về việc hợp tác chế biến đá làm vật liệu xây dựng. Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Hỏi về việc hợp tác chế biến đá làm vật liệu xây dựng. Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Tóm tắt câu hỏi:
Doanh nghiệp A được phép khai thác đá để chế biến (còn gọi là nghiền đá) các loại đá làm vật liệu xây xây dựng thông thường. Doanh nghiệp A được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện công việc này (Khai thác, chế biến và tiêu thụ). Do nhu cầu tiêu thụ các loại đá xây dựng đang tăng cao nhưng doanh nghiệp A không có điều kiện mua thêm các loại máy nghiền đá, doanh nghiệp A liên hệ và được doanh nghiệp B đồng ý lắp đặt thêm máy nghiền đá tại diện tích mỏ đá mà doanh nghiệp A được cấp. Mọi chi phí lắp đặt, vận hành để ra sản phẩm do doanh nghiệp B chịu. (DN B có chức năng chế biến đá). Doanh nghiệp B mua đá nguyên liệu (là đá sau nổ mìn, chưa qua chế biến) của doanh nghiệp A để về chế biến và tự tiêu thụ các loại đá sau chế biến đó. Xin nói rõ thêm để dễ hiểu về quá trình sản xuất kinh doanh của loại hình này. Các công đoạn để có đá thành phẩm: • Khoan đá; • Nổ mìn; • Bốc, xúc lên xe và vận chuyển đến máy nghiền đá để chế biến ra các loại đá xây dựng thông thường như đá mà ta hay làm nhà (1 x 2; đá 2 x 4…). Loại đá sau chế biến gọi là đá thành phẩm • Bán đá thành phẩm. Xin hỏi:
1. DN B có được phép lắp đặt máy trong phạm vi diện tích mỏ đá của DN A hay không? Nếu được phép thì DN A có phải làm thủ tục gì không? Vì trong HĐ thuê đất có quy định, DN A không được phép cho thuê lại nếu không được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Đây là loại hợp đồng gì? (Có người nói là HĐ mua bán, có người nói là HĐ hợp tác kinh doanh…) Bản chất ở đây là DN A muốn bán được đá nguyên liệu càng nhiều càng tốt. DN A không thu tiền thuê đất.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
* Cơ sở pháp lý:
* Nội dung tư vấn:
1. DN B có được phép lắp đặt máy trong phạm vi diện tích mỏ đá của DN A hay không?
Như bạn nói, trong hợp đồng thuê đất có quy định, DN A không được phép cho thuê lại nếu không được sự đồng ý của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như vậy nếu doanh nghiệp A không cho thuê đất, DN A chỉ ký hợp đồng với DN B về việc thuê máy về để nghiền đá, sau đó bán kiếm lời đồng thời thanh toán cho DN B tiền thuê máy móc thì không cần có sự đồng ý của cơ quan nhà nước, đồng thời không phải thực hiện bất kỳ thủ tục gì.
Tuy nhiên như bạn trình bày, mọi chi phí lắp đặt, vận hành để ra sản phẩm do Doanh nghiệp B chịu. (DN B có chức năng chế biến đá). Doanh nghiệp B mua đá nguyên liệu (là đá sau nổ mìn, chưa qua chế biến) của doanh nghiệp A để về chế biến và tự tiêu thụ các loại đá sau chế biến đó. Như vậy, được hiểu là Doanh nghiệp A cho Doanh nghiệp B vào cùng làm trên phần diện tích được Nhà nước cho thuê, được hiểu là DN A đang cho thuê lại mặt bằng để DN B trực tiếp sản xuất bán ra sản phẩm, việc DN B vào làm mà chưa có sự đồng ý của cơ quan Nhà nước cho thuê đất là DN A đã vi phạm hợp đồng cho thuê đất bởi DN A không có quyền cho thuê lại.
2. Hình thức của hợp đồng giữa Doanh nghiệp A và Doanh nghiệp B:
Căn cứ Điều 28 Luật đầu tư 2014 quy định về đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC như sau:
"1. Hợp đồng BCC được ký kết giữa các nhà đầu tư trong nước thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
2. Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC thành lập ban điều phối để thực hiện hợp đồng BCC. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của ban điều phối do các bên thỏa thuận.”
Về tính chất : Đây là quan hệ đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng, các nhà đầu tư có chung vốn kinh doanh nhưng không thành lập tổ chức kinh tế mới. Các chủ thể tham gia quan hệ đầu tư chỉ ràng buộc với nhau bởi các quyền và nghĩa vụ theo thỏa thuận mà không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như các hình thức đầu tư chung vốn thành lập doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nhà đầu tư nhân danh tư cách pháp lí độc lập của mình để chủ động thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ.
Về chủ thể của hợp đồng: là các nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, về số lượng chủ thể có thể hai hay nhiều chủ thể.
Về nội dung quan hệ đầu tư: các nhà đầu tư phải bỏ vốn để cùng kinh doanh, cùng chịu rủi ro, cùng phân chia kết quả kinh doanh.
Trong trường hợp này, Doanh nghiệp A và Doanh nghiệp B tự vận hành riêng của mình, tự chịu rủi ro cho công việc của mình, mối quan hệ giữa doanh nghiệp A và doanh nghiệp B chỉ là doanh nghiệp A bán đá thô cho doanh nghiệp B để doanh nghiệp B sản xuất, vì vậy đây không phải là hợp đồng hợp tác kinh doanh, mà đơn thuần chỉ là hợp đồng mua bán thông thường, đối tượng mua bán là đá thô do doanh nghiệp A khai thác.
Nếu Bên DN A góp mặt bằng và giấy phép về sản xuất, Bên DN B góp máy móc thì được hiểu là hợp đồng hợp tác kinh doanh của hai bên.