Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chơi lô đề. Căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc.
Truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người chơi lô đề. Căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc.
Tóm tắt câu hỏi:
Em chào anh chị: Anh chị cho em hỏi. Em chơi lô đề nợ 40 triệu, họ thuê xã hội đến nhà ép em viết giấy nợ có nội dung là gửi em tiền mua xe máy hộ họ và cho em hẹn 1 tháng phải trả xe, đến ngày hẹn trả mà không trả họ thì họ mang giấy này kiện em. Em rất sợ vì không thu xếp trả được nếu họ kiện em thì em có bị truy tố hình sự không? Em xin anh chị giải đáp giúp em với. Em xin cảm ơn anh chị.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009
2. Nội dung tư vấn:
Thực chất, giao dịch với nội dung gửi tiền mua xe máy hộ là giao dịch giả tạo nhằm che giấu hành vi chơi lô đề, tổ chức chơi lô đề và nợ tiền do chơi lô đề. Điều 129 Bộ luật Dân sự 2005 quy định như sau:
“Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.”
Như vậy, nội dung mà bạn bị ép ghi trong giấy nợ sẽ bị vô hiệu, giao dịch đó không có hiệu lực. Việc dựa vào giao dịch giả tạo này để khởi kiện, nếu bị phát hiện, khi đó bạn và người chủ đề kia sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.
Hiện nay, theo hướng dẫn tại Nghị quyết 144/2016/QH13 lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, nay vẫn áp dụng quy định tại Bộ luật hình sự 1999 và Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
Căn cứ Điều 248 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định tội đánh bạc như sau:
“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”.
Khoản 1 Công văn 80/TANDTC-PC hướng dẫn tội đánh bạc như sau: Kể từ ngày 09-12-2015 (ngày công bố Bộ luật hình sự năm 2015) đến hết ngày 30-6-2016, đối với người thực hiện hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá dưới 5.000.000 đồng, chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi tổ chức đánh bạc hoặc chưa bị kết án về tội đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc hoặc đã bị kết án về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc nhưng đã được xóa án tích, nếu vụ án đang trong giai đoạn xét xử thì Tòa án phải mở phiên tòa và căn cứ vào Điều 25 Bộ luật hình sự năm 1999 miễn trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.
Như vậy, theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao, đối với người có hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với trường hợp của bạn, tại khoản 5 điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có quy định như sau:
“5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… như sau:
5.1. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ dùng đánh bạc
b) Trường hợp người chơi số đề, cá độ không trúng số đề, không thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền mà họ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà họ đã bỏ ra để mua số đề, cá độ.”
Như vậy, nếu số tiền bạn bỏ ra mua số lô, số đề từ 5 triệu đồng trở lên thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội đánh bạc quy định tại Điều 248 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009.
Đối với chủ lô đề, Điều 249 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 quy định tội tổ chức đánh bạc, gá bạc như sau:
“1. Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 248 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Thu lợi bất chính lớn, rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định như sau:
“5. Việc xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của người chơi đề, cá độ và của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa… như sau:
5.2. Xác định số tiền hoặc giá trị hiện vật của chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc
a) Trường hợp có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là toàn bộ số tiền thực tế mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ và số tiền mà chủ đề, chủ cá độ phải bỏ ra để trả cho người trúng (có thể là một hoặc nhiều người).
Ví dụ: D là chủ đề của 5 người chơi số đề khác nhau, mỗi người chơi một số đề với số tiền là 50.000 đồng (tổng cộng là 250.000 đồng); tỷ lệ được thua là 1/70 lần và có 2 người đã trúng số đề thì số tiền D dùng để đánh bạc trong trường hợp này là 250.000 đồng + (50.000 đồng × 70 lần × 2 người) = 7.250.000 đồng.
b) Trường hợp không có người chơi số đề, cá độ trúng số đề, thắng cược cá độ hoặc bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng, kết quả bóng đá, kết quả đua ngựa… thì số tiền chủ đề, chủ cá độ dùng đánh bạc là tổng số tiền mà chủ đề, chủ cá độ đã nhận của những người chơi số đề, cá độ.
Ví dụ 1: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu cả 5 người chơi không trúng số đề thì số tiền mà chủ đề dùng đánh bạc là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng.
Ví dụ 2: Trong ví dụ nêu tại tiết a điểm 5.2 khoản 5 Điều này, nếu hành vi của D bị phát hiện, ngăn chặn trước khi có kết quả mở thưởng thì số tiền D dùng đánh bạc trong trường hợp này là 50.000 đồng × 5 người = 250.000 đồng (không phụ thuộc vào việc khi có kết quả mở thưởng có hay không có người trúng số đề).”
Như vậy, đối với chủ đề sẽ bị truy cứ trách nhiệm hình sự tội tổ chức đánh bạc theo quy định Điều 249 Bộ luật hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009.