Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật công chức. Công chức đánh bạc bị xử lý như thế nào?
Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật công chức. Công chức đánh bạc bị xử lý như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Bà M là công chức Sở tư pháp tỉnh H, đang nuôi con nhỏ dưới 5 tháng tuổi. Ngày 1/7/2015, Sở nhận được giấy báo của công an với nội dung bà M thực hiện hành vi đánh bạc và đã xử phạt vi phạm hành chính. Thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật bà M như thế nào? Chân thành cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo quy định của Luật cán bộ, công chức 2008 thì việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải được thực hiện đúng thời hạn, thời hiệu theo quy định.
Căn cứ Điều 80 Luật cán bộ, công chức 2008 quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức như sau:
''1. Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.
2. Thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức là khoảng thời gian từ khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hạn xử lý kỷ luật không quá 02 tháng; trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra để xác minh làm rõ thêm thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 04 tháng.
3. Trường hợp cá nhân đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án mà hành vi vi phạm có dấu hiệu vi phạm kỷ luật thì bị xử lý kỷ luật; trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, người ra quyết định phải gửi quyết định và hồ sơ vụ việc cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật.''
Mặt khác Điều 6, Điều 7 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về xử lý kỷ luật đối với công chức quy định cụ thể như sau:
– Thời hiệu xử lý kỷ luật
+ Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến thời điểm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật.
+ Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của công chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật quy định tại Điều 15 Nghị định này phải ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét xử lý kỷ luật. Thông báo phải nêu rõ thời điểm công chức có hành vi vi phạm pháp luật, thời điểm phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật và thời hạn xử lý kỷ luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Thời hạn xử lý kỷ luật
+ Thời hạn xử lý kỷ luật tối đa là 02 tháng, kể từ ngày phát hiện công chức có hành vi vi phạm pháp luật cho đến ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền ra quyết định xử lý kỷ luật.
+ Trường hợp vụ việc có liên quan đến nhiều người, có tang vật, phương tiện cần giám định hoặc những tình tiết phức tạp khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật theo quy định tại Khoản 2 Điều 80 Luật cán bộ, công chức 2008.
Điều 4 Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định các trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật gồm:
– Đang trong thời gian nghỉ hàng năm, nghỉ theo chế độ, nghỉ việc riêng được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cho phép.
– Đang trong thời gian điều trị có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
– Công chức nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
– Đang bị tạm giữ, tạm giam chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy, bà M đang nuôi con nhỏ 5 tháng tuổi thì chưa xem xét kỷ luật, khi con bà M đủ 12 tháng tuổi thì xem xét kỷ luật đối với bà M như sau:
– Thời hiệu xử lý kỷ luật bà M: 24 tháng kể từ thời điểm bà M có hành vi đánh bạc đến thời điểm Giám đốc Sở tư pháp ra thông báo bằng văn bản về việc xem xét kỷ luật bà M.
– Thời hạn xử lý kỷ luật bà M: tối đa 2 tháng kể từ ngày phát hiện bà M có hành vi đánh bạc đến ngày có thông báo ra quyết định xử lý kỷ luật từ Giám đốc Sở tư pháp.