Một người vay nhiều người có khả năng đòi được nợ không? Khả năng thu hồi nợ đối với người nợ nhiều người và không có tài sản.
Một người vay nhiều người có khả năng đòi được nợ không? Khả năng thu hồi nợ đối với người nợ nhiều người và không có tài sản.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi có cho một người mượn 380 triệu đồng với lãi suất vay ngân hàng do tôi thế chấp sổ tiết kiệm của mình, hẹn sẽ trả sau 5 ngày, tôi có hợp đồng công chứng vay tiền. Tuy nhiên, sau 2 tháng người này chỉ mới trả 130 triệu còn thiếu 250 triệu thì không trả nữa và tôi phát hiện cùng với tôi, bà này cũng đang nợ rất nhiều người, tổng cộng khoảng 4 tỷ đồng và hiện không còn khả năng chi trả ngoài căn nhà đang ở có giá khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong số các chủ nợ, có 1 người đang cầm cố sổ hồng nhà của bà ta và chỉ có biên nhận mượn tiền (không có công chứng), những người khác có người có hợp đồng vay tiền có công chứng (1,8 tỷ),số còn lại chỉ có biên nhận viết tay. Vậy nếu tôi khởi kiện người này ra Tòa án nhân dân quận thì khả năng thu hồi nợ như thế nào xin luật sư vui lòng tư vấn giúp tôi. Trường hợp này, người đang giữ sổ hồng của bà ta có quyền thỏa thuận riêng với người mượn tiền để bán nhà hay không? Khi đó các chủ nợ còn lại làm cách nào để thu hồi nợ ?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Hợp đồng vay tiền mà bạn xác lập với người mượn tiền là một hợp đồng vay tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, hợp đồng vay tiền có thể được xác lập bằng lời nói, hành vi hay bằng văn bản và không cần thiết phải công chứng, chứng thực.
Căn cứ vào ĐIều 474 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.
Trong trường hợp của bạn, người mượn tiền của bạn có nghĩa vụ phải trả tiền vay và lãi suất cho bạn đúng thời hạn. Trong trường hợp họ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ thì bạn có thể nộp đơn khởi kiện người vay tiền bạn ra Toà án cấp huyện nơi cư trú của họ để bảo vệ quyền và lợi ích của mình. Trong trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng thấy cần thiết sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của người vay tiền bạn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ vào Điều 126 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về việc phong toả tài sản của người có nghĩa vụ có quy định như sau:
Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài sản và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.
Do đó trong trường hợp của bạn, bạn có thể làm đơn gửi lên Toà án cấp có thẩm quyền để yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời căn cứ vào Điều 133 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 sẽ bao gồm nội dung sau:
a) Ngày, tháng, năm làm đơn;
b) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
c) Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người bị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
d) Tóm tắt nội dung tranh chấp hoặc hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình;
đ) Lý do cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
e) Biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng và các yêu cầu cụ thể.
Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.
Trong trường hợp người đang giữ giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất của người vay tiền có ý muốn thoả thuân với người vay tiền về việc bán nhà trước khi bạn có đơn khởi kiện và đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có hiệu lực thì họ hoàn toàn có quyền thoả thuận về việc bán nhà và trả tiền do người cho vay tiền và người vay tiền có quyền thoả thuận về việc bán căn nhà để trả do khoản vay của họ. Còn nếu trong khoảng thời gian đã có quyết định phong toả tài sản hay áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời và căn nhà đó trở thành tài sản bị phong toả thì họ sẽ không có quyền bán căn nhà để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Trong trường hợp của bạn, các chủ nợ có thể cùng viết đơn khởi kiện, có người đại diện trong đơn khởi kiên và tất cả chủ nợ ký tên vào đó kiện người mượn tiền ra Toà để yêu cầu giải quyết việc trả tiền vay và lãi suất như quy định trong hợp đồng vay tiền.