Điều khiển xe máy không gương, không giấy tờ đăng ký xe xử phạt như thế nào? Xử phạt vi phạm giao thông.
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư, em có điều khiển xe máy không gương và không giấy tờ đăng ký xe (do bị mất). Hiện xe em đang bị tạm giữ và chưa lập biên bản. Cho em hỏi xe không có giấy như này có bị tịch thu vĩnh viễn không ạ? Em xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Nội dung pháp lý:
Với hành vi điều khiển xe máy không gương:
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, khi bạn điều khiển xe không “gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng”, bạn sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.
Với hành vi không mang giấy đăng ký xe:
Căn cứ Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông quy định:
“3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển xe không có Giấy đăng ký xe theo quy định;”
Về hành vi tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính:
Khoản 8, Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 có quy định:
“Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế”.
>>>
Có thể thấy, thời hạn tạm giữ đối với phương tiện giao thông vi phạm thường là 07 ngày và nhiều nhất cũng không quá 30 ngày kể từ ngày xe của bạn bị tạm giữ. Thời hạn này có thể được gia hạn 01 lần, không quá 30 ngày và việc gia hạn phải thực hiện bằng văn bản. Như vậy, thời hạn tạm giữ đối với xe của bạn tối đa là 60 ngày, chứ không bị tạm giữ vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, theo Khoản 2, Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, việc tạm giữ phương tiện vi phạm phải được chấm dứt ngay sau khi quyết định xử phạt được thi hành.