Điều kiện công nhận là cán bộ lão thành cách mạng. Hoạt động cách mạng trước năm 1945 có được coi là cán bộ lão thành cách mạng không?
Điều kiện công nhận là cán bộ lão thành cách mạng. Hoạt động cách mạng trước năm 1945 có được coi là cán bộ lão thành cách mạng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Ông nội tôi sinh năm 1908 mất năm 1966 tham gia hoạt động cách mạng và là những người được kết nạp vào đảng đầu tiên của làng Phúc Ấm (theo ghi nhận tai dòng 13 trang 26 cuốn lịch sử đảng bộ xã Hương Long, huyện Hương khê, tỉnh Hà tĩnh giai đoạn 1930-2010 xuất bản tháng 2/2015). Theo thông tin ghi nhận tại trang 61 và 62 Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Phú gia xuất bản ngày 5/12/2012: trước cách mạng tháng 8/1945 đảng tuyên bố tự giải tán nhưng thực chất là rút vào hoạt động bí mật lúc này ông nội tôi vẫn là bí thư chi bộ đảng xã Hàm Nghi gồm 7 đảng viên đến tháng 11/1946 chi bộ tổ chức đại hội chính thức bầu ông nội tôi (Phan Tuân) tiếp tục giữ chức bí thư chi bộ “chính quyền xã được kiện toàn tháng 3/1946′ . Sau nhiều lần cha tôi trực tiếp xin xác nhận từ các cụ lão thành cách mạng cùng hoạt động với ông nội tôi và hoàn chỉnh hồ sơ nộp cho Ban tổ chức huyện ủy Hương khê nhưng vẫn chưa được giải quyết. Sau khi cha tôi mất (2002) tôi trực tiếp đến Ban tổ chức huyện ủy Hương khê để hỏi nhưng được giải thích phải có hồ sơ chứng minh thời gian sau năm 1930 ông nội tôi làm gì. Cho tôi xin hỏi trường hợp ông nội tôi tham gia hoạt động cách mạng như vậy có được công nhận cán bộ lão thành cách mạng không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
2. Nội dung pháp lý:
Theo Điều 5 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP – quy định về điều kiện được công nhận là cán bộ lão thành cách mạng:
1. Những người có đủ điều kiện sau đây được xem xét xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945:
a) Tham gia hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945;
b) Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng Tám năm 1945, được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm và Thông tri số 07-TT/TC ngày 21 tháng 3 năm 1979 của Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng hưởng chính sách, chế độ đối với người hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945.
2. Không xác nhận đối với trường hợp bị khai trừ khỏi Đảng.
Ông bạn là một trong những người được kết nạp vào đảng đầu tiên của làng Phúc Ấm (theo ghi nhận tai dòng 13 trang 26 cuốn lịch sử đảng bộ xã Hương Long, huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 1930-2010 xuất bản tháng 2/2015); trước cách mạng tháng 8/1945 ông bạn là bí thư chi bộ đảng xã Hàm Nghi (theo thông tin ghi nhận tại trang 61 và 62 Lịch sử đảng bộ và nhân dân xã Phú gia xuất bản ngày 5/12/2012). Bên cạnh đó gia đình bạn đã xác nhận từ các cụ lão thành cách mạng cùng hoạt động với ông. Thông tin bạn cung cấp tuy nhiều, nhưng vấn đề trọng điểm là ông bạn cần hoạt động cách mạng trước 01/01/1945 và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương hoặc được kết nạp lại trước ngày 19 tháng Tám năm 1945 đồng thời đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW và Thông tri số 07-TT/TC thì sẽ được công nhận là Cán bộ Lão thành Cách mạng. Ban thường vụ huyện ủy Hương Khê giải thích phải có hồ sơ chứng minh thời gian sau năm 1930 ông nội bạn làm gì là đúng theo quy định của pháp luật.
Bạn có thể tham khảo quy định về các giấy tờ để chứng minh khoảng thời gian hoạt động cách mạng cũng như thời điểm được kết nạp vào Đảng của ông bạn theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP:
Điều 6. Căn cứ xác nhận
1. Người hoạt động cách mạng còn sống thì căn cứ một trong các giấy tờ sau:
a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý;
b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III);
c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 và người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.
>>>
2. Người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ sau có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng:
a) Lý lịch theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
b) Hồ sơ của người đã được khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập;
c, Hồ sơ liệt sĩ
d) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản;
đ) Hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, Bảo tàng lịch sử của trung ương và địa phương từ cấp huyện trở lên.
3. Đối với người hoạt động cách mạng đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ để xem xét, công nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều này.