Quy định về giám định tư pháp trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Thủ tục giám định tư pháp.
Quy định về giám định tư pháp trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Thủ tục giám định tư pháp.
Giám định tư pháp là hoạt động đặc biệt, được thực hiện bởi các chuyên gia nhằm kết luận về chuyên môn đối với những vấn đề được trưng cầu. Những kết luận này giúp cơ quan tố tụng đưa ra quyết định đúng đắn về vụ án. Nhiều trường hợp, kết luận giám định còn có nghĩa trực tiếp giúp các cơ quan tố tụng xác định là tội phạm hay không phải tội phạm, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm làm căn cứ để quyết định hình phạt (giám định thương tích, nguyên nhân chết người, mức độ ô nhiễm môi trường…). Chất lượng giám định liên quan chặt chẽ đến chất lượng và hiệu quả của nền tư pháp. Do đó, hoàn thiện chế định giám định tư pháp là đòi hỏi khách quan của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Bộ luật tố tụng hình sự 2003 chỉ dành 05 điều để quy định về giám định là chưa tương xứng với tầm quan trọng và tính chất phức tạp của vấn đề. Việc thiếu quy định về thời hạn đang là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giám định hiện nay; thiếu cơ chế giải quyết xung đột trong trường hợp có nhiều kết luận khác nhau về cùng một đối tượng trưng cầu, làm bó tay các cơ quan tố tụng…
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những điều chỉnh quan trọng.
– Thứ nhất, xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định.
– Thứ hai, bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện trong quá trình chứng minh vụ án (Điều 206 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 ).
+ Thứ ba, phân nhóm hợp lý các vấn đề cần trưng cầu và quy định thời hạn giám định cho từng nhóm (Điều 206 và Điều 208 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
+ Thứ tư, bổ sung những người có quyền yêu cầu giám định trên cơ sở giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa trách nhiệm chứng minh trong vụ án hình sự với việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng (Điều 207 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
+ Thứ năm, xác lập cơ chế nhằm kiểm soát chặt chẽ quá trình trưng cầu và sử dụng kết quả giám định; theo đó, quy định trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định trong thời hạn 24 giờ phải gửi quyết định trưng cầu giám định và kết luận giám định cho Viện kiểm sát, trong thời hạn 07 ngày phải thông báo kết luận giám định cho người tham gia tố tụng (tại các điều 205, 213, 222 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
+ Thứ sáu, nhằm bảo đảm tính khách quan, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định cụ thể thành phần và thủ tục giám định bổ sung và giám định lại (Điều 210 và Điều 211 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
+ Thứ bảy, bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định; theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSND tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án (Điều 212 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Những sửa đổi, bổ sung nêu trên sẽ tháo gỡ căn bản những vướng mắc trong công tác giám định. Đồng thời, đặt ra trách nhiệm cao hơn cho cơ quan tố tụng và cơ quan giám định phải phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm nguyên tắc kịp thời, chính xác, tiết kiệm trong tố tụng hình sự.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, để đảm bảo hoạt động tố tụng, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã luật hóa các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt:
Trên cơ sở cân nhắc các điều kiện cụ thể của nước ta về mọi mặt, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, các cam kết quốc tế của Việt Nam và tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung một chương mới để luật hóa biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Thứ nhất, các biện pháp được phép áp dụng bao gồm: Ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; thu thập bí mật dữ liệu điện tử (Điều 223). Thứ hai, quy định chặt chẽ các trường hợp áp dụng chỉ đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tội phạm về tham nhũng, tội khủng bố, tội rửa tiền.