Một số bất cập của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Một số bất cập của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Hệ thống pháp luật quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường hiện nay đang ngày một hoàn thiện, đặc biệt Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 179/2013/NĐ-CP) đã có tính răn đe cao đối với các tổ chức cố tình vi phạm. Nghị định đã chi tiết hóa về khung và mức phạt, mức phạt tiền được tăng cao, đảm bảo khá công bằng trong quá trình xử lý, định nghĩa rõ hơn các hành vi vi phạm để không bỏ sót các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng cho thấy còn một số hạn chế trong các quy định này, gây khó khăn cho việc thực hiện của cơ quan có thẩm quyền cũng như làm giảm đi việc chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính của các tổ chức vi phạm.
– Thứ nhất, về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường: Nghị định số 179/2013/NĐ-CP quy định về thẩm quyền xử phạt: Ngoài chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp, chiến sĩ công an nhân dân, thanh tra chuyên ngành… thì còn quy định Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Thuế, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội nhưng không quy định thẩm quyền của một số cơ quan khác như Chi cục bảo vệ môi trường, Chi cục An toàn thực phẩm,… Như vậy làm giảm đáng kể việc huy động các nguồn lực của một số cơ quan thực thi pháp luật khác (như Chi cục bảo vệ môi trường (BVMT), Chi Cục An toàn thực phẩm… ) tham gia việc xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường trong khi những cơ quan này đều là các cơ quan thường xuyên kiểm tra, phát hiện các vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
– Thứ hai, về hình thức xử phạt và mức phạt tại Nghị định số 179/2013/NĐ–CP còn quy định chung cho các hành vi mà không xem xét đến quy mô, mức độ vi phạm của từng doanh nghiệp; chưa đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, chưa đảm bảo công bằng trong xử phạt. Cụ thể như:
+ Về hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu tang vật phương tiện vi phạm” không nên áp dụng cho hành vi quy định tại Khoản 1, Điều 19 Nghị định 179/2013/NĐ-CP “chôn vùi hoặc thải vào đất các chất ô nhiễm ở thể lỏng, bùn, chất thải vệ sinh hầm cầu không đúng quy định” và hành vi quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 179/2013/NĐ-CP “Hành vi chuyển giao, cho, bán chất thải rắn thông thường cho đơn vị không có chức năng, năng lực xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định; chôn lấp, đổ, thải chất thải rắn thông thường không đúng nơi quy định hoặc không đúng quy định về bảo vệ môi trường…”. Các hành vi vi phạm này tuy xẩy ra phổ biến nhưng với quy mô nhỏ, tính chất không nghiêm trọng, trong khi tang vật, phương tiện sử dụng thường là các xe ô tô có giá trị lớn (hàng trăm triệu đồng). Mức phạt tiền ở các hành vi này tùy theo khối lượng chất thải. Do đó đối với khối lượng chất thải ít thì mức phạt tiền lại hơn nhẹ, mà áp dụng hình thức xử phạt bổ sung thì hơi nặng. Do đó nên tăng mức tiền phạt mà bỏ quy định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong trường hợp này thì hợp lý hơn.
+ Việc quy định xử phạt đối với hành vi “Để lẫn chất thải nguy hại khác loại với nhau hoặc để lẫn chất thải nguy hại với chất thải khác” quy định tại khoản 6, Điều 21 Nghị định 179/2013/NĐ-CP là quy định chung cho các doanh nghiệp có hành vi vi phạm mà không theo mức độ vi phạm. Vì vậy, đối với một số doanh nghiệp số lượng chất thải nguy hại phát sinh không nhiều, chỉ tương đương với một hộ gia đình cá nhân thì mức phạt cũng tương đương với các doanh nghiệp có số lượng chất thải nguy hại phát sinh nhiều gấp nhiều lần là không công bằng cho các Doanh nghiệp này. Điều này sẽ gây phản ứng cho các Doanh nghiệp, gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm của cơ quan có thẩm quyền.
– Thứ ba, thiếu quy định điều chỉnh các hành vi đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; các hành vi liên quan đến quản lý chất thải và phế liệu, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, phương án cải tạo và phục hồi môi trường và một số hành vi khác cũng đã thay đổi. Hơn nữa, một số quy định về hành vi vi phạm còn rộng, chưa có tính răn đe đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm có mức độ nghiêm trọng, khối lượng xả thải lớn và chưa hợp lý đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng, chưa đảm bảo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, chưa đảm bảo công bằng trong quá trình xử phạt. Ngoài ra, mức xử phạt quy định một số hành vi còn thấp, chưa tương xứng với hành vi vi phạm, chưa đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa ô nhiễm và thực tế, nhiều doanh nghiệp chịu nộp phạt thay cho việc xử lý ô nhiễm…
– Thứ tư, còn một số lỗ hổng để các đối tượng “lách luật”. Cụ thể:
+ Ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp đã được nâng cao so với trước đây. Tuy nhiên bên cạnh đó còn nhiều doanh nghiệp vi phạm có hệ thống, có những biện pháp đối phó với các đoàn thanh kiểm tra. Một phần vì lợi ích kinh tế của doanh nghiệp, mặt khác do sự cạnh tranh thiếu bình đẳng giữa các cơ sở sản xuất, đặc biệt đối với cơ sở sản xuất nhỏ không giấy phép sản xuất kinh doanh, không xây dựng hệ thống xử lý chất thải; bên cạnh đó sự tư vấn của các đơn vị tư vấn môi trường chưa thực sự hiệu quả, chưa đảm bảo chất lượng.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
+ Quy định pháp luật môi trường hiện nay còn quá chú trọng hình thức thủ tục, vừa khó khăn cho doanh nghiệp thực hiện cũng như dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình thi hành của cơ quan nhà nước như: quyết định phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) phải được niên yết tại nơi thực hiện dự án và UBND cấp xã, Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại phải được sao gửi UBND quận, huyện,…
Hiện nay có rất nhiều cơ quan kiểm tra về bảo vệ môi trường như: cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng cảnh sát môi trường từ cấp địa phương đến cấp bộ. Việc tăng cường lực lượng kiểm tra về môi trường là cần thiết trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, nhất là trong giai đoạn tình trạng ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động như hiện nay. Tuy nhiên nếu không có một quy chế phối hợp, sự phân công trách nhiệm, thẩm quyền cụ thể giữa các cơ quan sẽ tạo nên sự kiểm tra trùng lặp, gây phiền hà, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, công tác quản lý môi trường sẽ không đạt hiệu quả.
Điểm c khoản 1 Điều 64 Nghị định số 179/2013/NĐ-CP: Phong tỏa tài khoản tiền gửi” khi đối tượng thanh tra không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Điểm này trên thực tế rất khó thực hiện vì hiện nay trên những địa bàn có nhiều Ngân hàng, để rà roát đối tượng vi phạm có số dư tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng rất khó vì hầu hết các Ngân hàng chưa tích cực trong việc phối hợp.
+ Các hành vi để lẫn chất thải nguy hại chưa được lượng hóa con số cụ thể nên không công bằng trong xử lý giữa để lẩn số lượng nhiều.
+ Việc tổ chức thực hiện quyết định đình chỉ, cưỡng chế thi hành, xác nhận đã khắc phục hậu quả đối với cơ sở vi phạm, quy định hiện nay đều giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì thực hiện, bao gồm cả quyết định do UBND quận, huyện và UBND thành phố ban hành theo kiến nghị của lực lượng cảnh sát môi trường. Quy định này tạo ra một số lượng lớn công việc cho Sở, trong khi đó chưa nâng cao vai trò quản lý, tính chủ động của địa phương cũng như cơ quan thụ lý hồ sơ ban đầu.
Từ những thực tế nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định số 179/2013/NĐ-CP mới trình Chính phủ xem xét ban hành để thay thế Nghị định số 179/2013/NĐ-CP.