Bồi thường thiệt hại khi gây hậu quả chết người. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bồi thường thiệt hại khi gây hậu quả chết người. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Tôi có người bạn bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là khi đang chạy xe máy trên đường quốc lộ 1 vào khoảng 19h30 thì đâm vào phía sau xe tải đang đậu trên đường do xe đang bị hỏng nhưng không có vật cảnh báo và cũng không có đèn xi nhan. Vậy xin hỏi luật sư: Tài xế chiếc xe tải có chịu trách nhiệm về cái chết của bạn tôi không? Cảm ơn Luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Giao thông đường bộ 2008;
– Bộ luật dân sự 2005;
– Bộ luật hình sự 1999.
2. Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về việc dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:
"1. Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.
2. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.
3. Người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn; nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Khi dừng xe, không được tắt máy và không được rời khỏi vị trí lái; […].”
Như vậy, theo quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông khi bị hỏng xe mà phải đỗ xe, dừng xe chỉ sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe sau khi thực hiện các biện pháp an toàn, nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy thì phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và sau xe để người điều khiển phương tiên khác biết. Trong trường hợp này, người lái xe tải sau khi xe hỏng, dừng xe trên đường nhưng không có vật cảnh báo và có xi nhan, như vậy là vi phạm quy định của Luật an toàn giao thông đường bộ 2008.
Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Theo quy định trên, để xác định việc người lái xe tải có phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại hay không phải căn cứ vào lỗi của người đó. Người lái xe tải có hành vi không bật xi nhan và đặt vật cảnh báo khi dừng xe là hành vi vi phạm pháp luật giao thông, có lỗi hoàn toàn trong việc gây ra tai nạn giao thông thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự qua tổng đài: 1900.6568
Điều 622 Bộ luật dân sự 2005 quy định bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra:
"Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật."
Như vậy, người lái xe có hành vi vi phạm, gây nên tai nạn giao thông chết người cho bạn của bạn thì người chủ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình của bạn bạn theo quy định tại Điều 610 Bộ luật dân sự 2005 thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm:
– Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
+ Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
+ Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
+ Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
sau đó yêu cầu người tài xế bồi hoàn lại số tiền này.
Ngoài ra, căn cứ Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, người lái xe có hành vi vi phạm các quy định về an toàn giao thông đường bộ, gây tai nạn chết người có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.
Điều 617 Bộ luật dân sự 2005 quy định bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi như sau:
"Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường."
Nếu lỗi này hoàn toàn không phải là lỗi từ phía tài xế lái xe, một phần cũng do lỗi của bạn bạn thì bên phía công ty lái xe chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình.