Quy định về việc đăng ký lại thường trú. Hồ sơ đăng ký thường trú.
Quy định về việc đăng ký lại thường trú. Hồ sơ đăng ký thường trú.
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư! Tôi muốn hỏi về khẩu và hộ khẩu? Tôi đi học Sư phạm từ năm 1990. Khi đó đi học là phải cắt hộ khẩu đi theo nên bố tôi đã cắt khẩu của tôi để chuyển đến trường tôi nhập học. Sau khi học xong tôi được phân công về tỉnh nhà công tác nhưng khác huyện gia đình tôi sinh sống. Tôi cũng không để ý gì về khẩu và hộ khẩu của mình cả. Nay đến bầu cử HĐND các cấp tôi không có tên trong danh sách nên mới biết mình không có hộ khẩu (Những lần bầu cử trước đều bầu cử theo cơ quan nên tôi cũng không để ý). Trường tôi học ngày xưa đã giải thể rồi. Xin hỏi luật sư nay tôi muốn tìm lại khẩu của mình thì phải bắt đầu như thế nào? Một số người nói sau 5 năm không nhập khẩu vào đâu thì bị xóa tên không biết có đúng không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật cư trú 2006;
– Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013;
– Nghị định 31/2014 NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Tại thời điểm năm 1990 chưa có Luật cư trú 2006 và các vấn đề về hộ khẩu được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 04/HĐBT ngày 7/1/1988 và Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997. Theo các văn bản đó, người nào vắng quá 6 tháng không có lý do rõ ràng thì cơ quan đăng ký hộ khẩu nơi thường trú xóa tên trong sổ hộ khẩu. Khi người ấy trở về sẽ xét đăng ký hộ khẩu trở lại.
Bố bạn đã làm thủ tục cắt khẩu và chuyển khẩu cho bạn. Vì vậy, bạn sẽ không bị xóa tên trong sổ hộ khẩu và có thể nhập khẩu trở lại.
Khi đó, việc nhập hộ khẩu sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định 31/2014 NĐ-CP như sau:
"1. Trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới và có đủ điều kiện đăng ký thường trú thì người thay đổi chỗ ở hợp pháp hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở mới.
2. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu, người được người có sổ hộ khẩu đồng ý cho nhập vào sổ của mình hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật cư trú qua tổng đài: 1900.6568
Như vậy, theo quy định trên thì thời hạn để đăng ký thường trú là 12 tháng kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới hoặc trong 60 ngày kể từ ngày có ý kiến đồng ý của người có sổ hộ khẩu trong trường hợp bạn muốn nhập chung vào sổ hộ khẩu của gia đình bạn. Pháp luật hiện hành không quy định về thời hạn của giấy chuyển hộ khẩu, cắt hộ khẩu.
* Hồ sơ đăng ký thường trú bao gồm:
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu;
– Giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Điều 28 của Luật cư trú 2006;
– Giấy tờ và tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Đối với trường hợp chuyển đến thành phố trực thuộc trung ương phải có thêm tài liệu chứng minh thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 20 của Luật cư trú 2006 sửa đổi bổ sung 2013.
* Nơi thực hiện thủ tục hành chính:
– Huyện trực thuộc thành phố trực thuộc trung ương: Công an nhân dân cấp huyện.
– Huyện trực thuộc tỉnh: Công an nhân dân xã.