Khái quát về niên hạn xe taxi? Xe taxi hết niên hạn có được sử dụng vào mục đích cá nhân không?
Với nhu cầu đi lại ngày càng gia tăng, đặc biệt là di chuyển tại các khu vực lân cận hoặc trong cùng một địa bàn, từ đó đã làm phát triển hình thức giao thông vận tại bằng xe taxi. Sự tiện lợi của xe taxi khiến cho nhiều người lựa chọn đây là phương tiện di chuyển thường xuyên. Để đảm bảo tính an toàn, pháp luật quy định về niên hạn sử dụng xe taxi và khi hết niên hạn đó thì sẽ có cơ chế xử lý nhất định. Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp, Luật Dương Gia có nhận được câu hỏi rằng: Xe taxi hết niên hạn có được sử dụng vào mục đích cá nhân không? Nhận định đây là một câu hỏi thiết thực, đặc biệt là đối với taxi công nghệ, tác giả quyết định trả lời cho câu hỏi này trong bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
1. Khái quát về niên hạn xe taxi?
Xe taxi là phương tiện có thể được thuê với mục đích ngắn hạn cùng với tài xế để chở người từ điểm này đến điểm khác. Hầu hết các xe taxi đều có màu đồng nhất hoặc có một đặc điểm tiêu chuẩn để phân biệt chúng với những chiếc xe thông thường. Đây có thể là một dòng cụ thể trên xe hoặc bảng tiêu đề được đánh dấu bằng các từ, ‘taxi’ trên đầu xe. Tất cả điều này phụ thuộc vào quy định của khu vực. Các yêu cầu đối với taxi khá nghiêm ngặt. Trong một số trường hợp, chỉ có thể là ô tô và phải có giấy phép hàng năm.
Căn cứ vào hình thức kinh doanh, tại Việt Nam, taxi được chia thành taxi truyền thống và taxi công nghệ. Trong đó, thị trường taxi khi chưa có sự xuất hiện của taxi công nghệ là sự độc quyền của taxi truyền thống. Số lượng taxi, số lượng hãng mới ra đời tăng lên nhanh chóng đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Thiếu những chính sách kiểm soát tốc độ phát triển, thiếu quy hoạch đầu tư xây dựng bến bãi làm cho hoạt động của taxi trở nên lộn xộn. Taxi công nghệ chỉ thực sự “lấn sân” vào thị trường Việt Nam vào năm 2014, kể từ đó, giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ có một cuộc “hỗn chiến” chưa từng có và đến nay nó vẫn còn âm ỉ.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về niên hạn xe taxi, thực tế thì pháp luật không hề xét đến việc đó là loại hình taxi truyền thống hay taxi công nghệ, mà chỉ áp dụng chung khi nói về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải bằng ô tô. Theo đó, tại Điểm d, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 10/2020/NĐ-CP: “Xe taxi phải có sức chứa dưới 09 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ năm sản xuất); không sử dụng xe cải tạo từ xe có sức chứa từ 09 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 09 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 09 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi“. Quy định này đã có sự thay đổi so với quy định trước đây tại định 86/2014/NĐ-CP, theo đó, tại Nghị định 86 ghi nhận: “Xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 08 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác.“.
Sự thay đổi trong quy định này cũng hoàn toàn hợp lý, lật ngược lại vấn đề, tại sao trước đây, luật lại ghi nhận xe taxi tại đô thị loại đặc biệt chỉ có niên hạn sử dụng 08 năm, phải chăng, nhà làm luật đang nhận định rằng, tại các đô thị này thì khả năng khai thác, sử dụng thường cao hơn các địa phương khác. Nhưng phải nói rằng, xe taxi cũng là loại xe ô tô 4 chỗ hoặc 7 chỗ, việc khai thác nhiều hơn tất nhiên sẽ có những ảnh hưởng tới chất lượng, nhưng nó thật sự rất nhỏ và việc đồng nhất về niên hạn sử dụng xe taxi trong cả nước là 12 tháng là điều cần thiết, tạo nên thống nhất cũng như “công bằng” trong việc áp dụng pháp luật.
Niên hạn sử dụng xe taxi là thời gian được tính bằng năm cho phép xe taxi được sử dụng để vận chuyển hành khách hay nói cách khác là để lưu thông trên đường. Việc chứng minh xe taxi còn niên hạn được thể hiện qua một số các tài liệu như số nhận dạng khung xe, các tài liệu kỹ thuật, thông tin trên nhãn mác, chứng từ nhập khẩu….Đặt ra quy định về niên hạn sử dụng xe taxi là yêu cầu tất yếu và cũng là xu hướng của các quốc gia trên thế giới, nhằm đảm bảo an toàn đối với người sử dụng xe taxi và người tham gia giao thông khác, đồng thời đảm bảo bảo vệ môi trường đối với khu vực có lưu lượng xe taxi hoạt động mạnh.
Hành vi điều khiển xe taxi hết niên hạn có thể dẫn đến việc người điều khiến phải chịu mức phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi “Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (đối với loại xe có quy định về niên hạn sử dụng)” theo quy định tại điểm b, Khoản 5, Điều 16
Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ taxi có thể bị áp dụng mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng nếu có hành vi: “Sử dụng phương tiện kinh doanh vận tải có chất lượng, niên hạn sử dụng không bảo đảm điều kiện của hình thức kinh doanh đã đăng ký” theo quy định tại điểm i, Khoản 6, Điều 28 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Qua việc quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi liên quan đến niên hạn xe taxi có thể thấy được tầm quan trọng và sự nhìn nhận của nhà làm luật trong công tác quản lý triệt để xe taxi.
2. Xe taxi hết niên hạn có được sử dụng vào mục đích cá nhân không?
Nhận được câu hỏi: Xe taxi hết niên hạn có được sử dụng vào mục đích cá nhân không?
Câu trả lời là “Được”, xe taxi hết niên hạn được sử dụng vào mục đích cá nhân.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là không có một quy định nào chứng minh cho điều đó. Phải chăng đây là lỗ hổng mà nhà nước hay pháp luật cần có sự thay đổi, quy định một cách chi tiết hơn, cụ thể hơn, bởi nếu như theo thực tiễn pháp luật hiện này thì chỉ có thể tự hiểu vấn đề rằng xe taxi khi hết niên hạn thì có thể sử dụng vào mục đích khác mà không phải là mục đích vận chuyển hành khách nữa.
Mục đích cá nhân ở đây cũng chỉ là phục vụ cho nhu cầu đi lại của người điều khiển hoặc gia đình hay tất cả các mục đích khác mà không phải là “để vận chuyển hành khách theo lịch trình và hành trình do hành khách yêu cầu; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối trực tiếp với hành khách thông qua phương tiện điện tử.” (Khoản 6 Điều 3, Nghị định 10/2020/NĐ-CP).
Khi hết niên hạn, các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh dịch vụ vận tải taxi thường tiến hành thanh lý xe ô tô dưới dạng hợp đồng dân sự với giá rẻ, vì vậy, hầu hết các xe taxi đều được “dọn dẹp” rất nhanh chóng.
Nhưng phải nhận định rằng, việc cho phép tiếp tục sử dụng vào mục đích cá nhân đang là mối lo ngại mà cơ quan có thẩm quyền khó có thể xử lý, việc đặt ra niên hạn sử dụng đã tính đến độ an toàn trong điều kiện kỹ thuật của xe, do đó khi hết niên hạn thì hầu như xe đang ở tình trạng báo động, việc tiếp tục sử dụng có thể gây mất an toàn giao thông, đồng thời, các loại xe hết niên hạn có sức tiêu thụ năng lực khủng khiếp, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Mặc dù, cơ quan đăng kiểm đang thực hiện hết chức trách của mình trong việc kiểm định khả năng sử dụng của xe taxi hết niên hạn, nhưng thực tế còn rất nhiều các lỗ hỏng đang được gạt bỏ để đem đến các lợi ích trước mắt.
Về nguyên tắc để đảm bảo tính quản lý của nhà nước đối với hình thức kinh doanh vận tải taxi, đối với mỗi xe taxi phải chứng minh được tính chất hoạt động của mình thông qua các giấy tờ nhất định, vì vậy khi hết niên hạn và chuyển đổi qua việc sử dụng cá nhân thì cũng phải “báo” với cơ quan có thẩm quyền để đăng ký và kiểm định cho phép tiếp tục sử dụng.
Trên cơ sở phân tích quy định của pháp luật và qua quá trình tìm hiểu các tài liệu, nhận định của các chuyên gia, người có thẩm quyền, tác giả đã cung cấp khái quát nhất các vấn đề liên quan đến niên hạn sử dụng xe taxi và việc có được chuyển đổi qua mục đích cá nhân hay không khi hết niên hạn. Từ đó, tác giả cũng nhận định rằng, lỗ hỏng trong quy định của pháp luật đang tạo ra nhiều ảnh hưởng và thực tiễn đã chứng minh điều đó, số lượng các xe taxi hết niên hạn được chuyển sang sử dụng mục đích cá nhân rất lớn, đặc biệt là ở các đô thị loại 1, tức là, điều mà nhà nước không muốn lại dễ dàng làm được. Ở một chừng mực, việc tận dung xe taxi để sử dụng cho mục đích cá nhân cũng có tính tiết kiệm và phục vụ cho nhu cầu chính đáng của người mua, tuy nhiên việc xem xét tổng thể giữa lợi ích và hạn chế là điều cần cân nhắc.