Gây tai nạn giao thông bị giữ xe trong bao lâu? Hai bên đã thống nhất hòa giải, khi nào được trả lại xe bị tạm giữ?
Gây tai nạn giao thông bị giữ xe trong bao lâu? Hai bên đã thống nhất hòa giải, khi nào được trả lại xe bị tạm giữ?
Tóm tắt câu hỏi:
Khi tôi điều khiển xe oto chạy đúng làn đường dành cho xe tải trên cao tốc thì bất ngờ có người đi bộ chạy từ phía dải phân cách vào làn đường của tôi sau đó tôi chuyển làn sang làn xe con để tránh nhưng người đi bộ chạy ngược quay lại và đã sảy ra tai nạn. Sau đó hai bên đã thống nhất giải hòa. Khi tôi lái xe ra vị trí khác rồi bị cảnh sát giao thông tạm giữ xe ô tô. Vậy cho tôi hỏi xe tôi bị giữ bao lâu? Cảnh sát giao thông không lập biên bản hiện trường.
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật xử lý vi phạm hành chính 2012;
– Bộ luật hình sự;
– Bộ luật tố tụng hình sự 2003;
– Quyết định 18/2007/QĐ-BCA.
2. Luật sư tư vấn:
Tại khoản 1 Điều 10 Quyết định 18/2007/QĐ-BCA quy định như sau:
1. Tạm giữ phương tiện giao thông có liên quan:
a) Khi vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, các phương tiện giao thông có liên quan đều phải được tạm giữ để phục vụ công tác khám nghiệm, điều tra giải quyết (trừ các phương tiện giao thông ưu tiên theo quy định). Việc tạm giữ phương tiện giao thông phải được lập biên bản, ghi rõ tình trạng phương tiện bị tạm giữ;
b) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ có dấu hiệu tội phạm thì đơn vị Cảnh sát giao thông tạm giữ phương tiện có trách nhiệm bàn giao phương tiện bị tạm giữ cùng với hồ sơ vụ án cho đơn vị điều tra tội phạm về trật tự xã hội có thẩm quyền;
c) Trường hợp tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì phương tiện giao thông bị tạm giữ được xử lý như sau:
– Đối với vụ tai nạn sau khi khám nghiệm phương tiện xong, xác định người điều khiển phương tiện không có lỗi thì phương tiện phải được trả ngay cho chủ sở hữu hoặc người điều khiển phương tiện;
– Các trường hợp khác việc tạm giữ phương tiện phải thực hiện theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chú ý: Khi tạm giữ và trả phương tiện phải có quyết định và biên bản theo quy định của pháp luật
Theo quy định trên, việc trả lại phương tiện bị tạm giữ trong vụ tai nạn giao thông được giải quyết như sau:
– Nếu người gây tai nạn không có lỗi, cảnh sát giao thông phải trả ngay cho chủ sở hữu.
– Người gây tai nạn có hành vi vi phạm hành chính: Thời gian tạm giữ sẽ được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cụ thể theo quy định tại khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không vượt quá thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 66 của Luật này, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Theo quy định trên, thời hạn tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính tối đa là 60 ngày.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Người gây tai nạn phạm tội theo Điều 202 Bộ luật hình sự: Khi đó chiếc xe được coi là tang vật, phương tiện phạm tội nên được xử lý theo khoản 2 và khoản 3 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2003 như sau:
2. Vật chứng được xử lý như sau:
a) Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm lưu hành thì bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước hoặc tiêu huỷ;
b) Vật chứng là những vật, tiền bạc thuộc sở hữu của Nhà nước, tổ chức, cá nhân bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội thì trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp; trong trường hợp không xác định được chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp thì sung quỹ Nhà nước;
c) Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu sung quỹ Nhà nước;
d) Vật chứng là hàng hóa mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật;
đ) Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu huỷ.
3. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này có quyền quyết định trả lại những vật chứng quy định tại điểm b khoản 2 Điều này cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án.
Theo quy định trên, trường hợp người gây tai nạn phạm tội, thời gian giữ phương tiện gây tai nạn phụ thuộc vào quá trình giải quyết vụ án. Nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án, cơ quan có thẩm quyền sẽ trả lại phương tiện cho chủ sở hữu.
Quyết định 18/2007/QĐ-BCA đã hết hiệu lực nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản thay thế nên việc giữ xe tai nạn giao thông vẫn được thực hiện theo các quy định trên. Do đó bạn có thể xem xét kĩ các quy định này để xác định thời hạn bị tạm giữ xe của mình.