Tố cáo hành vi tham những của cán bộ ở đâu? Thế nào là hành vi tham nhũng, cơ quan nào giải quyết tin tố giác tham nhũng.
Tố cáo hành vi tham những của cán bộ ở đâu? Thế nào là hành vi tham nhũng, cơ quan nào giải quyết tin tố giác tham nhũng.
Tóm tắt câu hỏi:
Họ và tên: Lò Quân Hậu, năm sinh 1975, cư trú tại huyện Bảo yên tỉnh Lào cai. Kính thưa Văn phòng tư vấn pháp luật, tôi xin trình bày một số nội dung như sau: Tại nơi đứa cháu tôi đang công tác là phòng ban khối nông nghiệp huyện có xảy ra sự tham nhũng của trưởng phòng tham ô với số tiền khoảng trên 100 triệu đồng là số tiền chi hoạt động cho cán bộ tăng cường đi xã trong các năm 2013 đến năm 2016 mỗi năm mỗi cán bộ tăng cường là 5 triệu đồng/ người/ 1 năm. Nhưng đã không chi trả cho các cán bộ đó trong 2 năm 2013-2014. Khi một số cán bộ đó biết có số tiền được hỗ trợ như trên thì bắt đầu tri trả cho mỗi người là 150.000/1 tháng cho đến nay. Nếu một số cán bộ đó không phát hiện ra thì chắc sẽ cũng không được chi trả như những năm trước. Và đã có người nào đó trong cơ quan đã hỏi đáp trên cổng thông tin điện tử hỏi về chính sách được hỗ trợ cho cán bộ. Và vì vấn đề này mà các lãnh đạo cán bộ tổ chức trên sở đã về làm việc 2-3 lần về vấn đề này mà không làm về nội dung chính xoay quanh vấn đề ai đưa lên cổng thông tin thì làm sao ai dám nhận. về đe nẹt cán bộ mà toàn nhũng cán bộ trẻ mới được tuyện dụng từ 5-7 năm. Bây giờ xin việc khó khăn thì làm sao ai mà dám trả lời. mà trong đó các cán bộ đó rất bức xúc tức tối mà không thể nói và làm gì được, chỉ bằng mặt chứ thực hư trong tâm trạng thì không bằng lòng. Công an kinh tế của huyện đã vào cuộc làm việc và điều tra thêm biết rõ ràng là việc làm sai trái quy định của trưởng phòng và kế toán thủ quỹ, làm bằng mọi cách để có được giấy những tờ chứng từ giả để trình báo như giả chữ ký, hay phô tô chữ ký. Công an thực thi nhiệm vụ thì biết rõ làm việc sai sau khi tìm hiểu qua một số cán bộ xã. Nhưng hồ sơ làm xong không công khai trả lời được và cất đi vì do có sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp huyện bảo dừng lại việc làm điều tra đó. Cho nên đến bây giờ vẫn chưa có báo cáo hay trả lời của cơ quan điều tra đến cho cán bộ đã được tìm thông tin. Các mô hình dự án nông nghiệp xây dựng cho nhân dân thì làm chứng từ giả mạo chữ ký thay cho nhân dân để gửi kho bạc tài chính, thành lập một đội cán bộ chuyên bắt chiếc để giả chữ ký thay cho dân. Ngày gần dây nhất thì có đoàn thanh tra của sở về làm việc và cán bộ lãnh đạo của cơ quan khối chuyên môn về làm việc nội dung đơn thư tố cáo của nhân dân lại không làm nội dung đơn mà chỉ làm việc là ai đã viết đơn và hỏi các cán bộ có nhận được tiền không? Thực ra là không được nhận thì cũng phải nói là có được nhận vị ép buộc, vì có thanh tra cấp trên lãnh đạo văn phòng chuyên môn dọa chuyển công tác, cho thôi việc thì làm sao ai dám nói là không được nhận. Công việc thanh tra thì lại không thanh tra toàn bộ các giấy tờ, chứng từ mà lại chỉ hỏi là có ai viết đơn không hay có nhận được tiền không? Và trước khi đến làm việc vào buổi chiều thì đã được trưởng phòng mời đi ăn cơm. Vậy thanh tra cái gì ở đây? Còn các ý kiến khác thì không làm, Các mô hình toàn ép buộc làm giấy tờ chứng từ giả nếu không làm thì dọa cuối năm đánh giá công việc, như gần đây có mô hình cho nông dân 10/17 xã thị trấn cho nhân dân làm mô hình khoai tây vụ đông trong hạch toán là 1 tấn nhưng khi cấp phát chưa được 8 tạ. Khi làm giấy tờ, báo cáo lên cấp trên thì khải kê khai hay báo cáo là đủ 1 tấn. Giá thì 15.000 đồng trên/1kg giống. Các đồ của cơ quan tự ý mang về nhà như giường tủ, bàn ghế không thanh lý, hay thanh lý thế nào số tiền là bao nhiêu cũng không nói ra cụ thể mập mờ. Và các lần trước có đơn thư khiếu nại tố cáo trên cổng thông tin thì đã có giải pháp chạy tiền lên cấp trên để giữ chức vụ, quyền hạn. Vậy với những nội dung như trên thì tôi xin hỏi và nhờ sự tư vấn của các ông, bà luật sư có chuyên môn, nghiệp vụ là có phải lãnh đạo đó đã phạm pháp hay sai phạm gì không? Và có sự bao che của cấp trên không mà không bị xử lý? Có phải là tội tham nhũng có tổ chức và có mức độ nguy hiểm không? Và giờ tôi muốn báo cáo về việc này cho ai để có khả năng thực thi nhiệm vụ thì báo cáo cho ai hay báo cáo thế nào nội dung ra sao?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009;
– Luật phòng, chống tham nhũng;
–Luật tố cáo;
2. Luật sư tư vấn:
Theo như bạn trình bày, bạn có biết được trưởng phòng phòng ban khối nông nghiệp huyện bạn có hành vi không thanh toán tiền chi hoạt động cho cán bộ tăng cường đi xã trong các năm 2013 đến năm 2016 tổng cộng là 100 triệu. Và sự việc này đã có sự tham gia của Thanh tra sở và Công an kinh tế Huyện. Bạn có thắc mắc về quy trình làm việc của hai cơ quan trên, tuy nhiên đó thuộc về phần chuyên môn của các cơ quan, và việc không công khai hồ sơ điều tra của Cơ quan công an kinh tế huyện có thể vẫn đang trong quá trình điều tra và thu thập chứng cứ nên không thể công khai hồ sơ được. Với những thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy bạn đang rất bức xúc về vấn nạn này. Theo quy định tại Luật phòng, chống tham nhũng:
"Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi."
Theo quy định này có thể hiểu:
– Chủ thể tham nhũng lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao: Chủ thể tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Một người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi vi phạm pháp luật vì động cơ vụ lợi nhưng hành vi đó không lợi dụng chức vụ, quyền hạn thì không coi là tham nhũng.
– Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi:Mục đích của hành vi tham nhũng phải là mục đích vụ lợi. Nếu chủ thể thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà không xuất phát từ động cơ vụ lợi thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng. Vụ lợi là lợi ích vật chất (tiền, nhà, đất, các vật có giá trị…) hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn mong muốn đạt được từ việc thực hiện hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình.
Theo như bạn trình bày, hành vi của trưởng phòng phòng ban khối nông nghiệp huyện và một số cán bộ huyện của bạn đã lợi dụng chức vụ của mình để vụ lợi cho bản thân( tiền, một số đồ vật của cơ quan,..). Do đó có thể xác định đó là hành vi tham nhũng.
Theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP thì các hành vi tham nhũng được quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng được xác định theo quy định tại Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009.
Cụ thể, Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định các hành vi tham nhũng ở phần các tội phạm về tham nhũng. Theo những thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy, trưởng phòng phòng ban khối nông nghiệp và một số cán bộ ở huyện bạn có thể bị xử lý hình sự về các tội như sau:
– Điều 278 Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 (Tội tham ô tài sản) :Hành vi tham nhũng thuộc tội tham ô tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Điều 280 Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản): Hành vi tham nhũng thuộc tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này, đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
– Điều 281 Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 (Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi): Hành vi tham nhũng thuộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi là hành vi vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Theo như bạn trình bày, đã có người tố cáo hành vi tham nhũng của trưởng phòng phòng ban khối nông nghiệp huyện của bạn, tuy nhiên thanh tra sở và công an kinh tế huyện vào cuộc lại không ai dám nhận nên việc giải quyết không thể dứt điểm được.
Theo quy định tại Điều 64 Luật phòng, chống tham nhũng về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng như sau:
– Công dân có quyền tố cáo hành vi tham nhũng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
– Người tố cáo phải tố cáo trung thực, nêu rõ họ, tên địa chỉ, cung cấp thông tin, tài liệu mà mình có và hợp tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
– Người tố cáo mà cố tình tố cáo sai sự thật phải bị xử lý nghiêm minh, nếu gây thiệt hại cho người bị tố cáo thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Theo quy định này có thể thấy, quyền của công dân trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, trách nhiệm của công dân khi thực hiện quyền tố cáo. Do vậy khi phát hiện hành vi tham nhũng của trưởng phòng phòng ban khối nông nghiệp huyện bạn có quyền tố cáo với cư quan có thẩm quyền.
Theo quy định tại Khoản 1, 2, Điều 65, Luật phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và những người có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết tố cáo của công dân đối với hành vi tham nhũng.
– Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, tố cáo qua mạng thông tin điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khi nhận được tố cáo hành vi tham nhũng phải xem xét và xử lý theo thẩm quyền; giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin khác theo yêu cầu của người tố cáo; áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo khi có biểu hiện đe doạ, trả thù, trù dập người tố cáo hoặc khi người tố cáo yêu cầu; thông báo kết quả giải quyết tố cáo cho người tố cáo khi có yêu cầu".
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Theo quy định tại Điều 54, Nghị định số 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng đã cụ thể hoá các hình thức tố cáo hành vi tham nhũng mà người tố cáo có thể thực hiện:
Điều 54. Các hình thức tố cáo hành vi tham nhũng
1. Công dân tố cáo hành vi tham nhũng bằng các hình thức sau:
a) Tố cáo trực tiếp;
b) Gửi đơn tố cáo;
c) Tố cáo qua điện thoại;
d) Tố cáo qua mạng thông tin điện tử.
2. Người tố cáo phải nêu rõ họ, tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có.
3. Những tố cáo về hành vi tham nhũng mà người tố cáo mạo tên, nội dung tố cáo không rõ ràng, thiếu căn cứ, những tố cáo đã được cấp có thẩm quyền giải quyết nay tố cáo lại nhưng không có bằng chứng mới thì không được xem xét, giải quyết.
Do vậy, bạn có thể căn cứ vào các quy định trên để tố cáo hành vi tham nhũng, bạn cũng cần lưu ý rằng bạn cần ghi nội dung tố cáo một cách rõ ràng, và do vấn đề bạn thắc mắc đã có người tố cáo nay bạn lại tố cáo thì cần cung cấp những bằng chứng mới thì mới có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Ngoài ra theo quy định tại Khoản 4 Điều 55 Nghị định số 59/2013/NĐ-CP cũng quy định:
"4. Đối với những tố cáo không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nghiên cứu, tham khảo thông tin được cung cấp để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng."
Do vậy ngoài các hình thức tố cáo trên bạn có thể tố cáo mà không cần ghi rõ tên, địa chỉ của bạn nhưng cũng cần đảm bảo nội dung tố cáo phải rõ ràng thì mới có thể được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Luật phòng, chống tham nhũng quy định trách nhiệm chủ yếu trong việc xử lý các tố cáo về hành vi tham nhũng thuộc về cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát như sau (khoản 3, Điều 65, Luật phòng, chống tham nhũng):
– Cơ quan thanh tra có trách nhiệm giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp xác minh, kết luận về nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý; trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
– Cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhận được tố cáo về hành vi tham nhũng phải xử lý theo thẩm quyền.
Theo quy định này thì bạn có thể gửi đơn tố cáo đến các cơ quan như: cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát,..Theo quy định của pháp luật thì những cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình phải tạo điều kiện, cộng tác với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi tham nhũng, hạn chế thiệt hại do hành vi tham nhũng gây ra.
Đối với thắc mắc của bạn là hành vi của các cán bộ huyện có phải là tội tham nhũng có tổ chức và mức độ nguy hiểm hay không thì chỉ dựa trên cơ sở thông tin của bạn cung cấp chúng tôi chưa đủ căn cứ để kết luận, việc kết luận phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và phải trải qua quá trình điều tra xác minh. Để hiểu rõ hơn những quy định của pháp luật về vấn đề phòng chống tham nhũng bạn có thể tham khảo thêm các quy định tại Bộ Luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009; Luật phòng, chống tham nhũng; Luật tố cáo, Nghị định số 59/2013/NĐ-CP ,..