Kết quả bầu hội đồng nhân dân thiếu có được bầu bổ sung không? Điều kiện, thủ tục bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Kết quả bầu hội đồng nhân dân thiếu có được bầu bổ sung không? Điều kiện, thủ tục bầu cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp.
Tóm tắt câu hỏi:
Ứng cử viên đại biểu hội đồng nhân dân phường được bầu tại ngày bầu cử có trên 50% số phiếu bầu. Nhưng so với các ứng cử viên khác thì thấp hơn nên không trúng cử. Vậy sau này hội đồng nhân dân thiếu có được bầu bổ sung hay không. Hay phải đợi hội đồng nhân dân khóa sau mới được bầu tiếp.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015.
2. Luật sư tư vấn:
Theo Điều 78 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 thì nguyên tắc xác định người trúng cử được quy định như sau:
"1. Kết quả bầu cử được tính, trên số phiếu bầu hợp lệ và chỉ được công nhận khi đã có quá một nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bầu cử, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 80 của Luật này.
2. Người trúng cử phải là người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ.
3. Trường hợp số người ứng cử đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn.
4. Trường hợp cuối danh sách trúng cử có nhiều người được số phiếu bầu bằng nhau và nhiều hơn số lượng đại biểu được bầu đã ấn định cho đơn vị bầu cử thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử".
Theo đó, sau khi bầu cử mà số người ứng cứ đạt số phiếu bầu quá một nửa tổng số phiếu bầu hợp lệ nhiều hơn số lượng đại biểu mà đơn vị bầu cử được bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu bầu cao hơn. Tức là ứng cử viên đạt trên 50% số phiếu bầu nhưng so với các ứng cử viên khác vẫn thấp hơn và số đại biểu cần bầu đã đủ thì ứng cử viên đó vẫn không trúng cử. Vậy việc bạn đạt trên 50% số phiếu bầu nhưng vẫn thấp hơn những ứng cử viên khác nên không trúng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là hoàn toàn hợp pháp.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Về việc bầu bổ sung, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc tiến hành bầu bổ sung chỉ được tiến hành trong trường hợp sau:
"1. Việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 02 năm và thiếu trên mười phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ.
2. Việc bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ chỉ được tiến hành khi thời gian còn lại của nhiệm kỳ nhiều hơn 18 tháng và đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Hội đồng nhân dân thiếu trên một phần ba tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân đã được bầu ở đầu nhiệm kỳ;
b) Đơn vị hành chính mới được thành lập trên cơ sở nhập, chia, điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính hiện có có số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân không đủ hai phần ba tổng số đại biểu được bầu theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương.
3. Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố ngày bầu cử bổ sung đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã.
4. Ngày bầu cử bổ sung phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử". (Điều 89 Bầu cử bổ sung).
Đối với các ứng cử tham gia bầu cử bổ sung, Điều 92 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định như sau:
"1. Việc ứng cử và hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung được thực hiện theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật này.
Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 18 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.
2. Việc hiệp thương, giới thiệu người ứng cử, lập danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân trong bầu cử bổ sung được thực hiện theo quy định của Ủy banthường vụ Quốc hội và phải được hoàn thành chậm nhất là 12 ngày trước ngày bầu cử bổ sung.
3. Danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân được công bố chậm nhất là 10 ngày trước ngày bầu cử bổ sung".
Theo đó, người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân phải nộp hồ sơ theo quy định như sau:
"1. Công dân ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này phải nộp hồ sơ ứng cử chậm nhất là 70 ngày trước ngày bầu cử.
2. Hồ sơ ứng cử bao gồm:
a) Đơn ứng cử;
b) Sơ yếu lý lịch có chứng nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền;
c) Tiểu sử tóm tắt;
d) Ba ảnh chân dung màu cỡ 4cm x 6cm;
đ) Bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
3. Hội đồng bầu cử quốc gia hướng dẫn thi hành Điều này". (Điều 35 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015)
Ứng viên từ đủ hai mươi mốt tuổi trở lên và đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân thì có thể tiến hành nộp hồ sơ như trên để ứng cử. Chỉ những trường hợp sau không được ứng cử theo quy định của pháp luật:
"1. Người đang bị tước quyền ứng cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang chấp hành hình phạt tù, người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.
2. Người đang bị khởi tố bị can.
3. Người đang chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án.
4. Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích.
5. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc giáo dục tại xã, phường, thị trấn".
Do đó, nếu ứng cử viên không thuộc các trường hợp bị cấm nêu trên thì có thể tham gia ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân khi tiến hành bầu cử bổ sung. Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp thì có thể thấy bạn đã từng tham gia ứng cử Hội đồng nhân dân và đạt trên 50% số phiếu bầu tức là bạn đã có đầy đủ các tiêu chuẩn của một ứng cử viên Hội đồng nhân dân. Khi địa phương bạn cần phải bầu cử bổ sung thì bạn hoàn toàn có thể nộp hồ sơ ứng cử.