Quản lý rừng cho phép khai thác rừng trái phép bị xử lý như thế nào? Ai có thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này.
Quản lý rừng cho phép khai thác rừng trái phép bị xử lý như thế nào? Ai có thẩm quyền xử phạt hành chính trong trường hợp này.
Tóm tắt câu hỏi:
Nếu chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ) để khai thác rừng trái phép trên địa phận của Ban quản lý thì có bị xử phạt hành chính không? Cơ quan nào có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với trường hợp nói trên?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật hình sự 1999;
– Nghị định 157/2013/NĐ-CP.
2. Luật sư tư vấn:
Chủ rừng (Ban quản lý rừng phòng hộ) để khai thác rừng trái phép trên địa phận của Ban quản lý, không thu thập tài liệu, tang vật và báo cáo kịp thời cho người, cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xử lý vi phạm hành chính thì chủ rừng đang vi phạm các quy định về thủ tục hành chính trong quản lý rừng, mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữu lâm sản quy định tại Khoản 2 Điều 24 Nghị định 157/2013/NĐ-CP:
"2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chủ rừng không lập hồ sơ quản lý rừng, sử dụng rừng theo quy định của pháp luật.
b) Chủ cơ sở chế biến, kinh doanh, mua, bán lâm sản không ghi chép vào sổ nhập, xuất lâm sản theo quy định của pháp luật.
c) Chủ cơ sở nuôi động vật hoang dã có nguồn gốc hợp pháp nhưng không thực hiện đăng ký trại nuôi theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, chủ rừng sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đống đến 5.000.000 đồng khi không lập hồ sơ quản lý rừng, sử dụng rừng để cho người khác vào khai thác trái phép.
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp trên quy định tại Nghị định 157/2013/NĐ – CP gồm: Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua tổng đài: 1900.6568
Trong trường hợp nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vi phạm các quy định về quản lý rừng theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 1999 như sau:
“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Giao rừng, đất trồng rừng, thu hồi rừng, đất trồng rừng trái pháp luật;
b) Cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng rừng trái pháp luật;
c) Cho phép khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.