Quy định nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng và một số giải pháp hoàn thiện quy định.
Quy định nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng và một số giải pháp hoàn thiện quy định.
1. Cơ sở pháp lý:
2. Luật sư tư vấn:
Hoạt động kinh doanh vàng, bao gồm: Hoạt động sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng và các hoạt động kinh doanh vàng khác, bao gồm cả hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản và hoạt động phái sinh về vàng.
Tại Việt Nam, vàng luôn là một tài sản tích trữ được ưa chuộng, thậm chí có những giai đoạn, vàng không chỉ còn là phương tiện tích trữ giá trị mà còn đóng vai trò là tiền tệ; giá vàng có lúc đã là một chỉ số ảnh hưởng đến giá cả các loại hàng hóa trong nền kinh tế. Chính vì vậy, các hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam đã sớm được đưa vào quản lý. Các văn bản pháp lý quy định cụ thể về vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đối với vàng với tư cách là tiền tệ, hay các văn bản quy định các hoạt động huy động và sử dụng vốn bằng vàng, các hoạt động kinh doanh vàng tài khoản đã lần lượt ra đời. Về cơ bản, các văn bản điều tiết hoạt động kinh doanh vàng được ban hành bước đầu đã tạo lập được hành lang pháp lý cho hoạt động của thị trường vàng.
Nghị định 24/2012/NĐ-CP ra đời đã khắc phục được những lỗ hổng pháp lý của giai đoạn trước, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức lại thị trường vàng theo hướng phát triển ổn định và bền vững, tăng cường quản lý đối với thị trường vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Nếu như trước đây, Việt Nam chưa có quy định về chức năng quản lý tập trung các hoạt động kinh doanh, đầu tư vàng theo nghĩa là hàng – tiền trong nền kinh tế thì Nghị định 24/2012/NĐ-CP hiện đã quy định Ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý tập trung các hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng. Điều 16 Nghị định 24/2012/NĐ-CP quy định trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước như sau:
"- Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, kế hoạch về phát triển thị trường vàng và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quy định tại Nghị định này.
– Ngân hàng Nhà nước được bổ sung vàng miếng vào Dự trữ ngoại hối Nhà nước.
– Ngân hàng Nhà nước thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng thông qua các biện pháp sau đây:
+ Xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Nghị định này.
+ Tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Chi phí tổ chức sản xuất vàng miếng được hạch toán vào chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
+ Thực hiện mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước và tổ chức huy động vàng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
– Ngân hàng Nhà nước cấp, thu hồi:
+ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
+ Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
+ Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu.
+ Giấy phép mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định.
+ Giấy phép đối với các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
– Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng, vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu và hoạt động kinh doanh vàng khác.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Ngân hàng Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác liên quan đến quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ."
Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất – nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, NHNN sẽ tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng thông qua việc quyết định hạn mức, thời điểm sản xuất và phương thức thực hiện sản xuất vàng miếng phù hợp trong từng thời kỳ. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ là hoạt động kinh doanh có điều kiện và phải được NHNN cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động kinh doanh vàng khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được NHNN cấp Giấy phép.
Một số vấn đề tồn tại trên của thị trường vàng trong nước khó có thể được giải quyết trong một sớm một chiều, nhưng để đảm bảo được tính thông suốt và lành mạnh của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều phức tạp, thì công tác quản lý thị trường vàng cần thiết phải được rà soát, bổ sung, chỉnh sửa thường xuyên đảm bảo đáp ứng được nhu cầu phát triển của thực tiễn theo hướng:
Thứ nhất: Phát triển lành mạnh thị trường vàng, cần đảm bảo sự thông suốt trong phạm vi nền kinh tế và liên thông với thị trường quốc tế. Kinh nghiệm cho thấy, một thị trường phát triển lành mạnh không có nghĩa để thị trường phát triển tự do, nhưng cũng không thể chỉ bằng các giải pháp hành chính, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Việc phát triển thị trường vàng cần phải có lộ trình với những bước mở từ từ và thận trọng, phù hợp với trình độ phát triển của thị trường tài chính trong nước. Việc điều tiết các chủ thể tham gia thị trường phải được thực hiện thông qua các công cụ và hàng rào kỹ thuật,… để phát huy được sự đóng góp của thị trường vàng vào kết quả chung của nền kinh tế.
Thứ hai, các công cụ, các loại hình hoạt động trên thị trường vàng cần có lộ trình phát triển từng bước, phù hợp với điều kiện và trình độ quản lý cụ thể của đất nước, đặc biệt là cần có sự tách bạch giữa hoạt động kinh doanh vàng vật chất và phi vật chất. Cần tránh lặp lại bài học trong quá khứ khi Việt Nam cho phép các sàn giao dịch vàng, các sản phẩm vàng phi vật chất như kinh doanh vàng trên tài khoản ra đời trong khi thực tiễn phát triển của Việt Nam chưa đáp ứng được (về cơ chế giám sát, kiến thức chuyên môn của các nhà đầu tư).
Thứ ba, tạo lập được khuôn khổ pháp lý quy định chặt chẽ về hoạt động kinh doanh vàng tài khoản, kinh doanh vàng phi vật chất. Xem xét luật hóa một cách cụ thể hình thức, phạm vi, đối tượng được phép giao dịch của hoạt động này để tạo kênh "liên thông" hẹp, được kiểm soát chặt nhưng linh hoạt giữa thị trường vàng trong nước và thị trường vàng quốc tế. Ðồng thời, Nhà nước cần sử dụng công cụ thuế, bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết, hạn chế việc đầu cơ vàng.