Thuế nhập khẩu - Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế nhập khẩu ở Việt nam hiện nay.
Thuế nhập khẩu – Những yếu tố ảnh hưởng đến việc thực thi pháp luật thuế nhập khẩu ở Việt nam hiện nay.
Thuế nhập khẩu là một loại thuế quan trọng đối với ngân sách quốc gia. Thuế nhập khẩu đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, bảo hộ nền sản xuất trong nước và chống lại xu hướng cạnh tranh không cân sức giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa ngoại nhập.
Hiện nay, trên thực tế ở nước ta việc thực thi pháp luật thuế nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi rất nhiều các yếu tố khác nhau, được thể hiện như sau:
1. Yếu tố kinh tế, chính trị trong nước, quốc tế và các chính sách thương mại của quốc gia
1.1 Kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế
Tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế ở một thời kì nhất định là yếu tố có ảnh hưởng quyết định đến nội dung chính sách thuế xuất nhập khẩu và nội dung pháp luật thực định về thuế xuất nhập khẩu trong giai đoạn đó.
Việc tăng cường vai trò kinh tế xã hội của nhà nước dẫn đến tốc độ chi tiêu của nhà nước ngày càng tăng và hậu quả tất yếu là đòi hỏi nhà nước phải mở rộng quỹ tài chính, hình thành từ việc thu thế, trong đó có thuế nhập khẩu. Nhà nước có thể sử dụng công cụ thuế nhập khẩu để kích thích hoặc kìm hãm tốc độ tăng trưởng của hoạt động nhập khẩu, hoặc làm yếu đi sự tích lũy, tiết kiệm, hoặc mở rộng hoặc thu hẹp nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư…
1.2 Chính sách thương mại quốc gia
Chính phủ đã sử dụng một loạt các biện pháp phi thuế quan để kiểm soát và điều tiết nhập khẩu. Hệ thống cấp giấy phép nhập khẩu và côta thực sự được nới lỏng khi hệ thống danh mục hàng nhập khẩu chịu thuế được đưa vào áp dụng năm 1992 theo Nghị định 114 – HĐBT. Theo đó, số lượng mặt hàng nhập khẩu phải chịu quản lý bằng hạn ngạch đã giảm đáng kể, và mọi hàng hoá đều được tự do xuất nhập khẩu và chịu điều tiết bằng thuế xuất nhập, trừ danh mục hàng cấm nhập khẩu, cấm xuất khẩu, danh mục hàng xuất nhập được quản lý bằng hạn ngạch. Hiện tại, Việt Nam đang cố gắng loại bỏ hạn ngạch, côta theo đúng tiến trình thực hiện hiệp định thương mại Việt – Mỹ, hạn chế các khoản phụ phí nhập khẩu, ban hành những quy định mới về giá trị tính thuế hải quan, và mở rộng quyền kinh doanh xuất nhập đối với các hình thức doanh nghiệp khác ngoài thành phần kinh tế Nhà nước.
2.Yếu tố áp dụng pháp luật thuế nhập khẩu
Hiện nay Việt Nam đã ký kết hiệp 80 hiệp ước thương mại song phương và điều ước đa phương với các nước. Trong đó thì có ba hiệp ước quan trọng như là: Cam kết của Việt nam về thuế nhập khẩu trong khuôn khổ hiệp định thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT); Cam kết của Việt nam về thuế nhập khẩu trong khuôn khổ hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Cam kết của Việt nam về thuế nhập khẩu WTO. Và những thay đổi này đều được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, nhằm đảm bảo tính khả thi và tính hiện thực cho các chính sách đó trong thực tiễn.
3. Yếu tố ý thức của người nộp thuế nhập khẩu
Đây là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thực thi Luật thuế nhập khẩu. Hiện nay có những gian lận chủ yếu sau trong việc nộp thuế của các chủ thể nộp thuế. Người nộp thuế có hành vi khai báo không trung thực giá tính thuế nhập khẩu. Hiện tại thì các chủ thể nộp thuế thường không khai báo chính xác mà khai giá nhập khẩu thấp hơn. Ví dụ công ty Đông Nam, giám đốc Nguyễn Gia Thiều đã móc nối với công ty Đông Nam Hồng Kông mua hơn 40000 chiếc điện thoại di dộng khai giá thấp hơn so với giá thực tế thanh toán từ 75 đến 375 USD trốn thuế nhập khẩu trên 100 tỉ.
- Khai thấp về chất lượng hàng những chủ thể nộp thuế thường khai chất lượng hàng thấp hơn so với thực tế nhằm trốn thuế nhập khẩu.
- Khai báo hàng không thanh toán, hàng hỗ trợ tiếp thị quảng cáo.
- Đánh đồng tên hàng nhưng chất lượng và phẩm cấp cao hơn.
Ngoài ra, từ sự ảnh của giá tính thuế nhập khẩu sẽ dẫn đến việc kê khai không trung thực thuế nhập khẩu, mặt hàng nhập khẩu, số lượng hàng nhập, trị giá hải quan ảnh hưởng đến công tác kiểm tra của hải quan. Do năng lực cán bộ hải quan còn yếu kém nên không kiểm soát được hết hàng buôn lậu. Có hành vi gian lận giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, khai sai nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nhằm hưởng lợi từ việc ưu đãi về thuế đối với các nước mà Việt Nam cam kết giảm thuế. Khai báo gian dối về tên hàng hóa nhập khẩu để được áp mã và hưởng thuế suất thấp hơn.
4. Yếu tố chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế
Thứ nhất, để khuyến khích hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, nhà nước đã có những chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế xuất nhập khẩu. Nhưng chính các ưu đãi này đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp lách luật và gây một số điểm bất bình đẳng.
Thứ hai, việc áp dụng nhiều mức thuế khác nhau với các nhãn sản phẩm khác nhau cũng tạo điều kiện cho việc thừa cơ chuộc lợi của nhiều công ty. Việc áp thuế cho xe 6 – 9 chỗ ngồi thấp hơn xe từ 6 chỗ trở xuống làm doanh nghiệp hạn chế nhập xe con vì sợ chịu thuế cao. Hay đơn cử việc áp dụng Bảng giá tối thiểu tính thuế nhập khẩu cũng dẫn đến doanh nghiệp nhập hàng giá cao không có trong danh sách bảng giá này để hưởng lợi nhuận.
Thứ ba, bởi theo lộ trình ra nhập cam kết về thuế, chẳng hạn như với AFTA, thuế nhập khẩu máy tính nhập nguyên chiếc về từ các nước ASEAN sẽ được hưởng mức thuế suất ưu đãi là 0%, nhưng mức thuế suất mặt hàng linh kiện điện tử Việt Nam (dùng để lắp giáp máy vi tính trong nước) phải chịu 2% thuế nhập khẩu. Với công nghệ hiện nay thì Việt Nam chỉ sản xuất được một số linh kiện chứ chưa thể sản xuất để lắp giáp đủ một chiếc máy vi tính, như vậy sản phẩm máy vi tính trong nước sẽ cao hơn giá máy tính nhập khẩu. Thậm chí với chính sách ưu đãi thuế suất 0% qua đường nhập khẩu từ các nước ASEAN thì với các mặt hàng từ Châu âu các nhà doanh nghiệp bằng cách luồn, lách luôn khoản thuế lẽ ra họ phải đóng khi nhập khẩu trực tiếp mặt hàng đó từ Châu âu vào Việt nam. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng với thuế suất 0% như vậy sẽ dẫn đến một hệ quả là các doanh nghiệp sản xuất máy tính trong nước không thể cạnh tranh hoặc trụ vững khi nền kinh tế thế giới đang có những rung chuyển nhất định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật thuế qua tổng đài: 1900.6568
5. Yếu tố thuộc khâu quản lí và khai báo thu thuế
Khâu quản lý khai báo và thu thuế còn chưa hiệu quả, thủ tục khai báo và thu nộp thuế tại Hải quan còn khá rườm rà. Việc càng nhiều khâu, nhiều quy trình đồng nghĩa với càng nhiều khe hở để xảy ra hiện tượng gian lận và trốn thuế. Tại hầu hết các khâu, các lĩnh vực trong quá trình làm thủ tục Hải quan đều xảy ra hiện tượng gian lận thương mại, cụ thể như: Khai báo không đúng tên hàng, khai báo nhiều chủng loại hàng hoá với một tên hàng để áp mã có mức thuế suất thấp; làm giả C/O để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt; Khai báo không đúng giá trị thực thanh toán để gian lận trị giá; bán nguyên phụ liệu, thành phẩm ra thị trường nội địa đối với loại hình nhập khẩu đầu tư gia công sản xuất – xuất khẩu để trốn thuế với số lượng lớn…
Ngoài ra, sự thiếu nhất quán trong quản lý cũng gây khó khăn cho việc nộp thuế của các doanh nghiệp, khiến cho nguy cơ gian lận thuế càng tăng.
Thêm nữa, nhiều cán bộ hải quan còn thiếu sự nhạy bén và hiểu biết tường tận về Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu. Điều này dẫn đến không phát hiện được hành vi gian lận thuế.
6. Yếu tố thuế suất thuế nhập khẩu
Thứ nhất, mức thuế còn khá cao so với nhiều nước trong ASEAN và trên thế giới. Để bảo vệ sức mạnh của hàng hoá trong nước, nhà nước đã áp dụng mức thuế cao. Nhưng điều này gây khó khăn cho nhiều mặt hàng nhập khẩu có nhu cầu lớn. Có thể xem xét mặt hàng sữa nhập khẩu tại Việt Nam là một ví dụ. Theo đánh giá của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá sữa bán lẻ ở Việt Nam đứng ở mức cao nhất thế giới. Tính bình quân cho các nước Bắc Mỹ, châu Đại Dương, Trung Quốc, Israel và EU là 0,8 USD/kg; các nước thuộc khu vực Đông Âu, Nam Mỹ có mức giá trung bình thấp nhất là 0,4 USD/kg. Trong khi đó, giá sữa bán lẻ Việt Nam lại lên đến 0,82 USD/kg. Hơn nữa, cách tính trị giá nhập khẩu chưa hợp lý sẽ làm mất đi sự công bằng của luật thuế
Thứ hai, việc giảm thuế suất nhiều mặt hàng gây ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của chính phủ từ thuế. Và kể từ khi làm đơn gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi chính sách thuế quan trong thương mại hàng hoá, trong đó có hàng hoá công nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của WTO. Là thành viên chính thức WTO, Việt Nam sẽ phải tiến hành giảm thuế quan và ràng buộc tất cả các dòng thuế. Đồng thời phải dỡ bỏ các hàng rào phi thuế (hạn ngạch, giấy phép, các thủ tục hải quan, trợ cấp, đầu mối, tiêu chuẩn kỹ thuật…) trong một thời hạn nhất định, tuỳ thuộc vào từng mặt hàng cụ thể theo cam kết.
Thứ ba, việc cắt giảm mức thuế quan sẽ làm cho lượng hàng hoá nhập khẩu tràn vào Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không chuẩn bị trước tinh thần này, không nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp, của sản phẩm thì doanh nghiệp Việt Nam ngay cả trong ngành có lợi thế trước đây cũng có thể thất bại ngay trên chính sân nhà.
7. Đội ngũ cán bộ hải quan:
Đội ngũ cán bộ hải quan được coi là chủ thể thực thi pháp luật. đây là một yếu tố tiên quyết bới nếu người thực thi pháp luật không làm tốt nhiệm vụ của mình thì làm sao có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chấp hành pháp luật tốt.
Phần lớn cán bộ của ngành hải quan tuy có nhận thức về đường lối chính sách của Đảng nhưng khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, đa số họ tỏ ra lúng túng, trì trệ, chạy theo cám dỗ. tất cả gây ảnh hưởng không tốt đến việc thực thi pháp luật. Các quy định của pháp luật thế nếu không vô tình thì cũng cố ý áp dụng sai, thiếu chính xác, tạo điều kiện cho các hành vi gain lận.
Một tình trạng khác là thiếu thốn đội ngũ cán bộ hải quan. Thiếu những có những trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu kĩ năng quản lý, thiếu kiến thức về kinh tế, thị trường…Nếu những tình trạng trên của đội ngũ cán bộ hải quan khoogn được cải thiện và khắc phục thì không thể đảm bảo cho việc thực thi tốt pháp luật thuế nhập khẩu.