Cán bộ luân chuyển công tác có được hoạt động tại đơn vị mình trúng cử không? Luân chuyển đại biểu Hội đồng nhân dân câp xã.
Cán bộ luân chuyển công tác có được hoạt động tại đơn vị mình trúng cử không? Luân chuyển đại biểu Hội đồng nhân dân câp xã.
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi muốn hỏi một câu hỏi như sau: Nếu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải luân chuyển công tác đến một đơn vị khác thì có được hoạt động tại đơn vị mình trúng cử nữa hay không?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật cán bộ, công chức 2008;
– Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015.
2. Luật sư tư vấn:
Theo quy định tại khoản 11 Điều 7 Luật cán bộ, công chức 2008:
"Luân chuyển là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý được cử hoặc bổ nhiệm giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục được đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ".
Như vậy, việc luân chuyển đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, bản chất là cử đại biểu tới làm việc tại một đơn vị khác trong một thời gian nhất định để được đào tạo, bồi dưỡng thêm. Sau thời gian luân chuyển đại biểu Hội đồng nhân dân lại quay về đơn vị ban đầu để công tác.
Theo khoản 2 Điều 9 Luật bầu cử đại biểu quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân năm 2015:
"Thường trực Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc (sau đây gọi chung là thôn), tổ dân phố, khu phố, khóm (sau đây gọi chung là tổ dân phố), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, trong đó bảo đảm có ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương;"
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Một trong sô các điều kiện để một người có thể được lựa chọn làm người để giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải là là người đó phải là người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp xã và thôn hoặc tổ dân phố các đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn của xã đó. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, theo Điều 94 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015:
"1. Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử bầu ra mình, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.
2. Sau mỗi kỳ họp Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân có trách nhiệm báo cáo với cử tri về kết quả của kỳ họp, phổ biến và giải thích các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, vận động và cùng với Nhân dân thực hiện các nghị quyết đó."
Như vậy, pháp luật đã quy định yêu cầu Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình. Do đó, nếu đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã phải luân chuyển công tác đến một đơn vị khác thì vẫn được tiếp tục hoạt động tại đơn vị nơi bầu cử ra họ.