Vi phạm và bồi thường hợp đồng thương mại. Cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh kinh doanh thương mại.
Vi phạm và bồi thường
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 15/4/2014 công ty TNHH Sinh Lợi có trụ sở chính tại quận Ba Đình, TP Hà Nội (bên A) và công ty Cổ Phần Đại Đức có trụ sở chính tại TP Hạ Long, Quảng Ninh (bên B) ký với nhau 1 bản hợp đồng. Theo đó , bên B bán cho bên A 1 số hàng hóa trị giá 1.750.000.000 đồng, giao thành 2 đợt cho chi nhánh bên A tại TP Phủ Lý , Hà Nam, bên A thanh toán chậm nhất là sau 10 ngày nhận hàng . Mỗi vi phạm của các bên về giao nhận hàng cũng như chất lượng hàng hóa phải chịu phạt 2% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng vi phạm. Vì đợt 2 giao hàng chậm 15 ngày nên đã gây thiệt hại cho bên A tính ra là 80.000.000 đồng . Ngoài tiền phạt là 40.000.000 đồng bên A còn đòi bồi thường thiệt hại tổng cộng 2 khoản là 120.000.000 đồng . Đồng thời bên A không thanh toán nốt 230.000.000 đồng là số tiền hàng đợt 2 đã nhận. 2 bên nhiều lần gặp nhau nhưng không thống nhất được cách giải quyết. 1. Xác định quan hệ hợp đồng này. Bên A có thể đòi tiền phạt và tiền bồi thường thiệt hại không? Nêu những căn cứ pháp lý cho lập luận của mình. 2. Trường hợp bên A hoặc bên B đưa tranh chấp ra tòa án giải quyết thì đơn kiện có thể đưa đến những Toà án cụ thể nào. hãy nêu những giai đoạn cơ bản của việc giải quyết tranh chấp này tại Tòa án với những giả định thêm của mình nếu cần thiết.?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004;
2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, xác định quan hệ của hợp đồng:
Theo thông tin mà bạn cung cấp, giữa hai công ty Sinh Lợi và Đại Đức đã xác lập một hợp đồng mua bán hàng hóa có tính chất thương mại. Chủ thể của quan hệ pháp luật này là công ty TNHH sinh lợi và công ty cổ phần Đại Đức. Đây đều là các tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp việt nam. Nội dung của quan hệ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng. Cụ thể trong trường hợp này là các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc mua bán hàng hóa và các thỏa thuận phạt vi phạm hợp đồng. Khách thể của quan hệ pháp luật là số hàng hóa có giá trị 1.750.000.000 đồng.
Do đó, căn cứ vào Điều 1 và Điều 2 Luật Thương mại năm 2005, đây là quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi luật thương mại – quan hệ pháp luật thương mại.
Thứ hai, về bồi thường thiệt hại:
Căn cứ Điều 300 Luật thương mại năm 2005,
"Phạt vi phạm là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng nếu trong hợp đồng có thoả thuận, trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này."
Trong hợp đồng, hai bên đã thỏa thuận cụ thể về việc phạt vi phạm, do đó, nếu như bên B không thuộc các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 294 Luật thương mại năm 2005 thì bên B đương nhiên phải thực hiện các chế tài phạt vi phạm mà hai bên đã thỏa thuận.
Căn cứ vào Điều 302 Luật thương mại năm 2005
"1. Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng gây ra cho bên bị vi phạm.
2. Giá trị bồi thường thiệt hại bao gồm giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm."
Bên B đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên B được quy định trong hợp đồng. Từ đó, làm phát sinh thiệt hại cho bên A. Do đó, bên B phải bồi thường thiệt hại cho bên A. Tuy nhiên, để có thể yêu cầu bên B bồi thường thiệt hại, căn cứ vào Điều 303 Luật thương mại năm 2005
"Trừ các trường hợp miễn trách nhiệm quy định tại Điều 294 của Luật này, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau đây:
1. Có hành vi vi phạm hợp đồng;
2. Có thiệt hại thực tế;
3. Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại."
Và Điều 304 Luật thương mại năm 2005
"Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm."
Bên A cần phải chứng minh thiệt hại có xảy ra trên thực tế và xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng của bên B với thiệt hại thực tế từ việc vi phạm hợp đồng của bên B.
>>> Luật sư tư vấn pháp
Thứ ba, về giải quyết tranh chấp thương mại:
Căn cứ vào Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004:
"1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận bao gồm:
a) Mua bán hàng hoá;
b) Cung ứng dịch vụ;
c) Phân phối;
d) Đại diện, đại lý;
đ) Ký gửi;
e) Thuê, cho thuê, thuê mua;
g) Xây dựng;
h) Tư vấn, kỹ thuật;
i) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường sắt, đường bộ, đường thuỷ nội địa;
k) Vận chuyển hàng hoá, hành khách bằng đường hàng không, đường biển;
l) Mua bán cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác;
m) Đầu tư, tài chính, ngân hàng;
n) Bảo hiểm;
o) Thăm dò, khai thác.
2. Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận.
3. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
4. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định."
Tranh chấp dân sự giữa công ty TNHH Sinh Lợi và công ty Cổ phần Đại Đức thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp huyện.
Căn cứ vào Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004,
"Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 25, 27, 29 và 31 của Bộ luật này"
Nếu như bị đơn là công ty TNHH Sinh Lợi thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại là Tòa án nhân dân quận Ba Đình.
Nếu như bị đơn là công ty Cổ phần Đại Đức thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thương mại là tòa án nhân dân thành phố Hạ Long
Tiếp theo, về vấn đề thủ tục giải quyết tranh chấp. Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, những giai đoạn cơ bản của việc giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Tòa án bao gồm có thủ tục:
– Khởi kiện
– Hòa giải
– Xét xử sơ thẩm
– Xét xử phúc thẩm