Những lỗi vi phạm giao thông bị phạt không quá 80 nghìn của người điều khiển xe máy. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
Những lỗi vi phạm giao thông bị phạt không quá 80 nghìn của người điều khiển xe máy. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông.
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật giao thông đường bộ 2008;
2. Luật sư tư vấn:
Do chưa có sự hiểu biết đầy đủ về Luật giao thông đường bộ 2008 mà đôi lúc người tham gia giao thông thường phải nộp phạt hành chính mà không biết mình đã vi phạm những lỗi gì. Có rất nhiều lỗi vi phạm giao thông nhiều khi rất nhỏ nhưng chính vì lẽ đó,mọi người thường chủ quan và không để ý tới. Để giúp người tham gia giao thông trang bị đầy đủ kiến thức về luật an toàn giao thông, dưới đây là những thông tin về các lỗi vi phạm luật giao thông của người điều khiển xe máy có mức phạt không quá 80 nghìn đồng theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.
Khoản 1 Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định:
“Điều 6. Xử phạt người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi vi phạm quy định tại Điểm a, Điểm đ, Điểm h Khoản 2; Điểm c, Điểm đ, Điểm h, Điểm o Khoản 3; Điểm c, Điểm d, Điểm e, Điểm g, Điểm i Khoản 4; Điểm a, Điểm c, Điểm d Khoản 5; Điểm đ Khoản 6; Điểm d Khoản 7 Điều này;
b) Không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt;
c) Không giữ khoảng cách an toàn để xảy ra va chạm với xe chạy liền trước hoặc không giữ khoảng cách theo quy định của biển báo hiệu “Cự ly tối thiểu giữa hai xe”;
d) Chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ;
đ) Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ;
e) Lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước;
g) Sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều;
h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô;
i) Không tuân thủ các quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau, trừ các hành vi vi phạm quy định tại các Điểm d Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này.”
Theo đó, hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, sẽ bị xử phạt hành chính từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng. Hệ thống báo hiệu đường bộ và việc chấp hành báo hiệu đường bộ được quy định chi tiết tại Điều 10, Điều 11 Luật giao thông đường bộ 2008. Ngoài ra, một số hành vi vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường nhưng mang tính chất nguy hiểm hơn như chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước; quay đầu xe tại nơi cấm quay đầu xe… sẽ bị xử phạt nặng hơn chứ không xử phạt ở quy định này.
Hành vi vượt xe không có báo hiệu trước cũng là một trong những hành vi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt tại mức phạt này. Vượt xe được Luật giao thông đường bộ 2008 quy định cụ thể tại Điều 14 theo đó xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn.
Điều 12 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; ở nơi có biển báo "Cự ly tối thiểu giữa hai xe" phải giữ khoảng cách không nhỏ hơn số ghi trên biển báo.”
Hiện nay, tốc độ tối đa và khoảng cách an toàn đối với xe cơ giới hiện nay được quy định chi tiết tại Thông tư 91/2015/TT-BGTVT. Theo đó người điều khiển xe máy cần tuân thủ quy định về tốc độ và khoảng cách theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 Điều 15 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.”.
Do đó, đối với các hành vi chuyển hướng không nhường quyền đi trước cho: Người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ; xe thô sơ đang đi trên phần đường dành cho xe thô sơ. Chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Các hành vi vi phạm về lùi xe mô tô ba bánh không quan sát hoặc không có tín hiệu báo trước hoặc sử dụng đèn chiếu xa khi tránh xe đi ngược chiều được quy định trong Luật giao thông đường bộ tại các Điều sau:
Khoản 1 Điều 16: “Khi lùi xe, người điều khiển phải quan sát phía sau, có tín hiệu cần thiết và chỉ khi nào thấy không nguy hiểm mới được lùi”.
Khoản 3 Điều 17: “Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa”.
Hành vi người đang điều khiển xe sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính; người ngồi trên xe sử dụng ô là hành vi vi phạm luật giao thông theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 30 Luật giao thông đường bộ 2008.
Điều 24 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định về nhường đường tại nơi đường giao nhau như sau:
“Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:
1. Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;
2. Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;
3. Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.”
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
Theo đó, tại nơi đường giao nhau, các phương tiện phải nhường đường theo đúng các nguyên tắc mà pháp luật quy định. Các trường hợp không nhường đường theo quy định trên đều sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng trừ các hành vi không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn; không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau và không giảm tốc độ hoặc không nhường đường khi điều khiển xe chạy từ trong ngõ, đường nhánh ra đường chính thì sẽ bị xử phạt hành chính ở mức cao hơn do mức độ gây nguy hiểm của hành vi.