Cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ căn cước. Quy định về thủ tục và trình tự cấp thẻ căn cước công dân theo quy định Luật căn cước công dân 2014.
Tóm tắt câu hỏi:
Em thường trú tại Nghệ an, và đang học tập tại hà nội, tại Nghệ an chưa cấp thẻ căn cước, vậy luật sự cho em hỏi, em có thể được cấp thẻ căn cước ở Hà Nội không? và nếu có thì em cần phải đem theo những giấy tờ gì? Em xin cảm ơn!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Cơ sở pháp lý:
– Thông tư 40/2019/TT-BCA.
1. Khái niệm căn cước công dân
– Căn cước công dân: theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật căn cứ công dân 2014 quy định đây là thông tin cơ bản của công dân về lai lịch, nhân dạng theo quy định của luật.
– Cơ sở dữ liệu căn cước công dân đây là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong đó tập hợp tất cả các thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, đã được số hóa, được lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin và là một bộ phận của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Cơ quan quản lý căn cước công dân được quy định là cơ quan chuyên trách thuộc lực lượng Công an nhân dân, có chức năng quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Tàng thư căn cước công dân là một hệ thống bao gồm các tài liệu, hồ sơ có nội dung về căn cước công dân được quản lý, phân loại, sắp xếp theo một trình tự nhất định để dễ dàng trong quá trình tra cứu và khai thác thông tin.
2. Thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân
Theo quy định tại Điều 27
– Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;
– Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
– Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các đơn vị hành chính tương đương;
– Trong trường hợp cần thiết thì cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức việc làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại đơn vị xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc ngay tại chỗ ở của công dân.
Như vậy trong trường hợp này mặc dù bạn đang đăng ký thường trú tại Nghệ An không phải Hà Nội nhưng bạn vẫn có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân tại Hà Nội được mà không cần phải chuyển nơi đăng ký thường trú hay đăng ký tạm trú tại đây.
>>>
Thứ ba, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân:
Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước công dân được quy định tại Điều 12
– Bước 1, công dân điền thông tin vào Tờ khai căn cước công dân:
Công dân có thể điền thông tin trực tiếp vào bản giấy tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện hoặc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh hoặc có thể kê khai trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến. Nếu kê khai thông tin theo mẫu Tờ khai Căn cước công dân trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến thì công dân tiến hành lựa chọn ngày, tháng, năm làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân và tiến hành gửi Tờ khai đến cơ quan quản lý căn cước công dân nơi công dân đăng ký thường trú trên trang thông tin điện tử dịch vụ công trực tuyến.
– Bước 2, kiểm tra, đối chiếu thông tin:
+ Cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu thông tin của công dân trong Tờ khai căn cước công dân (nếu công dân kê khai trực tuyến thì tiến hành thu nhận qua thiết bị đọc mã vạch hoặc thiết bị thu nhận thông tin vào hệ thống) so với thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để làm căn cứ xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước công dân và thống nhất các nội dung thông tin về công dân đó.
+ Nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa hoạt động thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu của bản thân. Trong trường hợp thông tin trên sổ hộ khẩu của công dân không thống nhất hoặc chưa đầy đủ với các thông tin công dân kê khai trên Tờ khai Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công dân xuất trình thêm các giấy tờ khác như Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác có thể hiện về những thông tin cần ghi trong Tờ khai Căn cước công dân.
+ Nếu khi công dân làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại cơ quan quản lý căn cước công dân cấp huyện mà cần phải điều chỉnh những thay đổi về thông tin trong sổ hộ khẩu và việc điều chỉnh thuộc thẩm quyền của Công an cấp huyện đồng thời công dân xuất trình được đầy đủ các giấy tờ hợp lệ theo quy định của pháp luật về cư trú thì sẽ được tiếp nhận hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu của công dân đồng thời với việc tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân. Lúc này cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ chuyển hồ sơ điều chỉnh những thay đổi trong số hộ khẩu của công dân sang cho bộ phận đăng ký, quản lý cư trú để thực hiện việc điều chỉnh và tiến hành làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân sau khi điều chỉnh xong Sổ hộ khẩu.
+ Khi công dân cấp thẻ Căn cước công dân do chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành thu, nộp, xử lý Chứng minh nhân dân theo quy định của pháp luật.
Sau khi kiểm tra, đối chiếu thông tin công dân cho kết quả hợp kệ, đủ điều kiện cấp thẻ Căn cước công dân thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ chuyển hồ sơ sang cho cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân để thực hiện các thủ tục tiếp theo.
– Bước 3, cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân tiến hành chụp ảnh, lấy vân tay và các đặc điểm nhận dạng của người yêu cầu cấp thẻ Căn cước công dân để in thông tin trên Phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân và thẻ Căn cước công dân theo quy định. Trong đó:
+ Về ảnh chân dung:
Theo quy định ảnh chân dung sử dụng trong việc cấp thẻ Căn cước công dân phải là ảnh chụp chính diện rõ mặt, rõ hai tai, đầu để trần, không đeo kính; đối với trang phục, tác phong phải lịch sự, nghiêm túc và không được mặc trang phục chuyên ngành khi chụp ảnh trừ trường hợp những công dân theo tôn giáo, dân tộc thì được mặc lễ phục của tôn giáo, dân tộc đó trường hợp trang phục có khăn đội đầu thì được quyền mang khi chụp ảnh thẻ Căn cước công dân nhưng phải bảo đảm việc hiển thị rõ mặt.
+ Về vân tay:
Việc thu nhận vân tay của công dân được thực hiện thông qua máy thu nhận vân tay, đối với trường hợp ngón tay của công dân bị dị tật, cụt, khèo mà không thể lấy được vân tay thì cán bộ cơ quan quản lý về căn cước công dân sẽ ghi nội dung cụ thể vào vị trí tương ứng của ngón đó.
– Bước 4, cấp giấy hẹn trả thẻ Căn cước công dân cho người đến làm thủ tục sau khi đã thực hiện xong việc thu thập vân tay và chụp ảnh chân dung, ghi nhận đặc điểm nhận dạng.
Trường hợp mà hồ sơ đề nghị cấp thẻ Căn cước công dân chưa đầy đủ theo quy định thì hướng dẫn công dân hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để được cấp thẻ Căn cước công dân.
– Bước 5, trả kết quả:
Đến ngày hẹn trên giấy hẹn trả kết quả, Cơ quan nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành trả thẻ Căn cước công dân, cấp Giấy
Lưu ý đối với những người đang mắc các căn bệnh về tâm thần hoặc các bệnh khác mà mất khả năng nhận thức, mất khả năng điều khiển hành vi của mình thì việc làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân phải có người đại diện hợp pháp đi cùng.
Thứ tư, hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân:
Bạn cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Tờ khai căn cước công dân theo mẫu;
– Giấy Chứng minh nhân dân 9 số, 12 số (nếu trường hợp đổi từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân);
– Sổ hộ khẩu (nếu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được khai thác sử dụng);
– Giấy khai sinh, Chứng minh nhân dân cũ hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp các thông tin trong sổ hộ khẩu không trùng khớp hoặc thiếu so với các thông tin do công dân kê khai trong Tờ khai căn cước công dân.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Ban Biên tập – Công ty Luật Dương Gia về cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ căn cước công dân, nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ để được hỗ trợ.