Thủ tục ly hôn với vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự? Thủ tục đại diện cho vợ hoặc chồng bị mất năng lực hành vi dân sự trong việc quản lý và sử dụng tài sản?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có một câu hỏi như sau: Tôi và chồng kết hôn được 3 năm nay. Năm ngoái, chồng tôi bị tai nạn giao thông và không còn khả năng nhận thức. Dù đã chữa trị rất lâu nhưng không tiến triển. Nay tôi muốn ly dị với chồng tôi, tôi phải làm như thế nào?
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, chồng bạn không còn khả năng nhận thức nên thủ tục ly hôn không thể tiến hành như người bình thường được
Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:
“Điều 19. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.
Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.“
Như vậy, để tiến hành ly hôn, trước hết, bạn phải yêu cầu Tòa án tuyên bố chồng bạn mất năng lực hành vi dân sự (nếu không tuyên bố thì không thể giải quyết vì chồng bạn không thể tự đứng ra thực hiện các thủ tục).
Việc bạn đơn phương ly hôn với chồng mất năng lực hành vi dân sự không được ghi nhận trong các trường hợp ly hôn theo Luật hôn nhân gia đình 2014
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.
Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
…
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 19006568
Tuy nhiên, trong
“Điều 206. Những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được
1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2. Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3. Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4. Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.“
Do đó, có thể ngầm hiểu rằng, bạn vẫn có thể tiến hành thủ tục ly hôn với chồng bạn, và thủ tục ly hôn sẽ không cần hòa giải.
→ Để được tư vấn các quy định của pháp luật về giám hộ, tư vấn luật hôn nhân trực tuyến miễn phí, vui lòng gọi cho chúng tôi qua Hotline: 1900.6568.
Mục lục bài viết
- 1 1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự
- 2 2. Đơn phương ly hôn khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự
- 3 3. Giành quyền giám hộ con gái mất năng lực hành vi dân sự
- 4 4. Đại diện quản lý tài sản khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự
- 5 5. Đại diện cho chồng bị mất năng lực hành vi dân sự bán nhà?
1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự
Tóm tắt câu hỏi:
Anh trai và cháu gái bị mất năng lực hành vi dân sự (Theo biên bản giám định pháp y tâm thần của trung tâm giám định pháp y tâm thần), vợ anh trai tôi đã chết. Vậy tôi là em gái có được làm người giám hộ cho anh trai và cháu tôi không. Xin được tư vấn.
Luật sư tư vấn:
Ðiều 46 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giám hộ như sau: Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật dân sự 2015 (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
Người được giám hộ bao gồm:
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
+ Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự;
+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Anh trai và cháu bạn là người mất năng lực hành vi dân sự nên thuộc trường hợp phải có người giám hộ.
Về việc bạn có thể là người giám hộ hay không thì cần căn cứ các quy định sau:
– Bạn phải đáp ứng điều kiện của cá nhân làm người giám hộ (Điều 49 Bộ luật Dân sự 2015): Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
+ Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
+ Không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
– Việc xác định người giám hộ căn cứ theo quy định tại Ðiều 53 Bộ luật Dân sự 2015 về người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự:
+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
+ Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
+ Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Xét trường hợp của anh trai bạn: Do vợ của anh đã mất nên người giám hộ cho anh sẽ là con của anh; nếu không có người con nào đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ của anh sẽ làm người giám hộ cho anh. Nếu không có ai đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh trai bạn thuộc trường hợp không có người giám hộ đương nhiên.
Xét trường hợp của cháu bạn: Cháu bạn chưa có chồng con, mẹ đã mất, cha bị mất năng lực hành vi dân sự nên cháu bạn thuộc trường hợp không có người giám hộ đương nhiên.
Trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên như nêu trên thì Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ (Điều 54 Bộ luật Dân sự 2015). Khi đó, bạn có quyền đứng ra nhận làm người giám hộ. Một người có thể giám hộ cho nhiều người nên bạn có thể nhận làm người giám hộ cho cả anh trai và cháu gái bạn.
→ Nếu còn bất cứ vấn đề thắc mắc về vấn đề giám hộ, người giám hộ đương nhiên vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ ngay lập tức!
2. Đơn phương ly hôn khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư, tôi và chồng tôi kết hôn đã lâu. Từ sau khi tai nạn chồng tôi gặp vấn đề về thần kinh và đã được xác nhận là mất năng lực hành vi dân sự. Giờ tôi muốn ly hôn thì có người nói tôi có thể đơn phương ly hôn vậy luật sư cho tôi hỏi là tôi có quyền đơn phương ly hôn hay không? Nếu không thì còn có cách nào để ly hôn không?
Luật sư tư vấn:
Theo quy định của
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”
Vì vậy nếu chị có căn cứ theo khoản 1 Điều 56 nêu trên thì chị vẫn có quyền đơn phương ly hôn.
→ Nếu còn bất cứ vấn đề thắc mắc về ly hôn đơn phương, giải quyết thủ tục ly hôn nhanh vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ ngay lập tức!
3. Giành quyền giám hộ con gái mất năng lực hành vi dân sự
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa luật sư, tôi có thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp như sau: Tôi có con gái đã lấy chồng 5 năm nay. Năm trước cháu bị tai nạn giao thông nên phải sống đời sống thực vật. Con rể tôi không chăm lo cho con tôi và các cháu ngoại mà qua lại với người đàn bà khác, còn đem tài sản chung của hai vợ chồng cho người đàn bà đó. Tôi phải làm sao để giành được quyền giám hộ cho con gái tôi? Xin chân thành cảm ơn luật sư
Luật sư tư vấn:
Bộ luật dân sự 2015 có quy định về giám hộ như sau:
“Điều 46. Giám hộ
1. Giám hộ là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này (sau đây gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (sau đây gọi chung là người được giám hộ).
2. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
3. Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch.
Người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ“.
Vấn đề giám hộ đối với người thành niên chỉ đặt ra trong trường hợp giám hộ người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp của chị, con gái chị bị tai nạn giao thông phải sống đời sống thực vật chưa phải là mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định tại Điều 22 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.“
Như vậy, chỉ khi chị (hoặc người khác có quyền, lợi ích liên quan) đề nghị, và được Tòa án ra tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì mới phát sinh vấn đề giám hộ đối với con chị. Khi đó, người giám hộ cho con chị sẽ được xác định theo quy định tại Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
“Điều 53. Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự
Trường hợp không có người giám hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Bộ luật này thì người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự được xác định như sau:
1. Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
2. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
3. Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.“
Theo đó, người giám hộ đương nhiên của con chị sẽ là con rể chị. Tuy nhiên, vẫn có thể thay đổi người giám hộ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Người giám hộ được thay đổi trong trường hợp sau đây:
a) Người giám hộ không còn đủ các điều kiện quy định tại Điều 49, Điều 50 của Bộ luật này;
b) Người giám hộ là cá nhân chết hoặc bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, mất năng lực hành vi dân sự, mất tích; pháp nhân làm giám hộ chấm dứt tồn tại;
c) Người giám hộ vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ giám hộ;
d) Người giám hộ đề nghị được thay đổi và có người khác nhận làm giám hộ.”
Khoản 1 Điều 57 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của người giám hộ đối với người mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“1. Người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự có các nghĩa vụ sau đây:
a) Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ;
b) Đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự;
c) Quản lý tài sản của người được giám hộ;
d) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.”
Như vậy, để tiến hành thay đổi người giám hộ cho con gái chị, chị phải chứng minh được rằng con rể chị vi phạm nghiệm trọng nghĩa vụ giám hộ (ở đây là không chăm sóc cho con gái chị và mang tài sản cho người đàn bà khác).
→ Mọi thắc mắc liên quan đến thủ tục ly hôn, tư vấn ly hôn vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Hotline: 1900.6568 để được tư vấn – hỗ trợ ngay lập tức!
4. Đại diện quản lý tài sản khi chồng bị mất năng lực hành vi dân sự
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Bố,mẹ tôi đứng tên sở hữu mảnh đất sổ đỏ, năm 2015, bố mẹ tôi ký giấy ủy quyền cho chị gái tôi thế chấp sổ đỏ để vay ngân hàng, thời hạn ủy quyền là 1 năm kể từ ngày ủy quyền. Không may bố tôi bị tai biến và mất hành vi dân sự. Vậy trong trường hợp này một mình mẹ tôi có đủ thẩm quyền ký các giấy tờ với ngân hàng để rút sổ đỏ về hay không? Cảm ơn ban luật sư tư vấn?
Luật sư tư vấn:
Với việc đại diện theo pháp luật của mẹ bạn. Căn cứ Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng như sau:
“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”
Mặt khác, điều kiện xác nhận một người bị mất năng lực hành vi dân sự theo khoản 1 Điều 22 Bộ luật dân sự 2015:
“1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.“
Luật sư tư vấn phân chia tài sản khi chồng mất năng lực dân sự: 1900.6568
Như vậy, trong trường hợp này của bố bạn, nếu có căn cứ bố bạn bị mất năng lực hành vi dân sự và phải có bản án, quyết định của Tòa án công nhận thì mẹ bạn có thể làm người đại diện theo pháp luật của bố bạn và có thể thực hiện các giao dịch liên quan đến ngân hàng. Nếu không có căn cứ nêu trên thì một mình mẹ bạn không thế ký kết các giấy tờ để rút sổ đỏ với ngân hàng.
Ngoài ra, bạn có thể xem xét lại phạm vi mà bố mẹ bạn đã ủy quyền cho chị gái bạn. Nếu nội dung trong giấy ủy quyền có nội dung xác nhận chị bạn có thể tham gia các giao dịch để rút sổ đỏ bên ngân hàng thì chị bạn có thể thực hiện giao dịch này.
Việc đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp theo khoản 3 Điều 140 Bộ luật dân sự 2015 sau:
“3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận;
b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.”
Như vậy, nếu như rơi vào một trong các trường hợp về hết thời hạn ủy quyền, công việc ủy quyền đã hoàn thành… thì lúc này chị bạn mới không thể thực hiện công việc theo ủy quyền được nữa. Còn nếu không rơi vào các trường hợp trên và trong giấy ủy quyền có quy định thì chị bạn có thể thực hiện các giao dịch để rút sổ đỏ ra cho bố mẹ bạn.
→ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến miễn phí qua điện thoại: 1900.6568 – Một cuộc gọi, giải quyết mọi vấn đề pháp luật.
5. Đại diện cho chồng bị mất năng lực hành vi dân sự bán nhà?
Tóm tắt câu hỏi:
Chào quý luật sư! Hiện tại gia đình tôi có vấn đề về tranh chấp đất đai mong được giải đáp.
Bố tôi trước đây có kết hôn với một người vợ đầu, sinh được 3 đứa con: 1 trai, 2 gái. Bố tôi đã ly dị với người vợ đó và có giấy phân chia tài sản. Bố tôi nuôi anh tôi, còn người vợ kia nuôi hai chị gái. Trong quyết định của toà án thì bố tôi được toàn quyền sử dụng mảnh đất gia đình tôi đang sinh sống.
Năm 1989 thì bố tôi lấy mẹ tôi, hai người có giấy tờ kết hôn hợp pháp. Sau đó sinh được hai người con là tôi và em gái tôi. Năm 1996 thì bố tôi bị tai biến mạch máu não đến bây giờ. Hiện tại thì bố tôi không còn nhận thức được. Năm 2003 thì nhà tôi được cấp sổ đỏ đứng tên bố và mẹ tôi. Thời điểm đó thì anh tôi (con người vợ trước được bố tôi nuôi dưỡng) vẫn sinh sống trong gia đình. Đến năm 2008 thì anh tôi cắt hộ khẩu đi nơi khác.
Thời gian gần đây gia đình tôi muốn bán một mảnh đất để giải quyết vấn đề nợ nần trong gia đình thì anh tôi nhất quyết không đồng ý. Hiện tại tôi làm kinh doanh nên cũng cần vốn để làm ăn nên tôi và mẹ tôi quyết định muốn phân chia tài sản với anh tôi. Nhưng anh tôi muốn nửa mảnh đất hiện tại gia đình tôi đang sống. Tôi muốn hỏi quý luật sư làm thế nào để giải quyết chuyện phân chia tài sản này đúng pháp luật và trong thời gian nhanh nhất có thể (hiện tại bố tôi đã không còn kiểm soát được hành vi dân sự). Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp, bố bạn không còn kiểm soát được hành vi do biến chứng của bệnh tai biến mạch máu não. Điều 22 Bộ luật dân sự 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự như sau:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
…
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
Như vậy, gia đình bạn cần gửi đơn tới Toà án nhân dân cấp quận, huyện nơi bố bạn đang sinh sống để yêu cầu tuyên bố bạn là người mất năng lực hành vi dân sự. Khi đó, mọi giao dịch dân sự của bố bạn sẽ do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24
Khoản 1 Điều 53 Bộ luật dân sự 2015 quy định, trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
Như vậy, khi bố bạn bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì mẹ bạn là người giám hộ của bố bạn.
Theo như bạn trình bày, mảnh đất này bố bạn có với người vợ trước. Bố bạn đã ly hôn với người vợ trước và bố bạn là người được toàn quyền sử dụng mảnh đất theo bản án ly hôn của Toà án. Sau đó bố bạn kết hôn với mẹ bạn và sống trên cùng mảnh đất này. Năm 2003 gia đình bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đứng tên bố và mẹ bạn trên đất trên mảnh đất đó. Như vậy, đây là tài sản chung của bố mẹ bạn. Nay gia đình muốn bán và anh trai bạn (con vợ cả) ngăn cản không cho bán. Người anh trai không liên quan đến tài sản này bởi đây là tài sản chung bố mẹ bạn, nếu người anh trai chứng minh được công sức đóng góp trong khối tài sản này thì có quyền yêu cầu bố mẹ bạn khi bán tài sản phải thanh toán 01 khoản tương ứng với phần công sức đóng góp đó.
Khoản 1 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
“Điều 59. Quản lý tài sản của người được giám hộ
1. Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình; được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ.
…
Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.”
Theo quy định trên, mẹ bạn muốn bán tài sản này thì phải chứng minh việc bán tài sản để phục vụ cho lợi ích của bố bạn. Nếu không chứng minh được thì mẹ bạn không có quyền bán tài sản này.
→ Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo! Để được hỗ trợ tư vấn luật qua điện thoại, lắng nghe ý kiến chính thức từ Luật sư, quý khách hàng vui lòng gọi cho chúng tôi qua Tổng đài Luật sư: 1900.6568