Quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần.
Quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật. Người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào luật sư! Luật sư cho tôi hỏi, muốn đăng ký 2 người đại diện theo pháp luật trong công ty cổ phần có phải phân chia cụ thể trách nhiệm và quyền hạn của từng người không hay 2 người đều có quyền hạn và trách nhiệm như nhau? Cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệpvới tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài,
Khoản 2, Khoản 3 Điều 13 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Như vậy, công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật. Các nội dung cụ thể về số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty được thể hiện trong điều lệ công ty.
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 134 Luật doanh nghiệp 2014 quy định:
Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Từ các quy định trên, nếu điều lệ không có quy định khác thì chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty, nếu có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty.
Khi đó, theo Điều 152 Luật doanh nghiệp 2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
– Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản trị;
– Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cuộc họp; triệu tập và chủ tọa cuộc họp Hội đồng quản trị;
– Tổ chức việc thông qua nghị quyết của Hội đồng quản trị;
– Giám sát quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
– Chủ tọa cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, cuộc họp Hội đồng quản trị;
– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Đối với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, có các quyền và nghĩa vụ theo Điều 157 Luật doanh nghiệp 2014 như sau:
– Quyết định các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty mà không cần phải có quyết định của Hội đồng quản trị;
– Tổ chức thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản trị;
– Tổ chức thực hiện
– Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức, quy chế quản lý nội bộ của công ty;
– Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị;
– Quyết định tiền lương và quyền lợi khác đối với người lao động trong công ty kể cả người quản lý thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
– Tuyển dụng lao động;
– Kiến nghị phương án trả cổ tức hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
– Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Như vậy, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ cụ thể của những người đại diện theo pháp luật tuân thủ theo các quy định được viện dẫn ở trên và trong Điều lệ công ty. Do đó, trách nhiệm và quyền hạn của những người đại diện theo pháp luật là khác nhau, tương ứng với chức danh quản lý và quy định trong Điều lệ công ty.
Bạn có thể tham khảo thêm một số bài viết có liên quan khác của Dương Gia:
– Thẩm quyền thực hiện giao dịch khi người đại diện theo pháp luật chết
– Điều chỉnh thông tin người đại diện theo pháp luật
– Thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
——————————————————–
THAM KHẢO CÁC DỊCH VỤ CÓ LIÊN QUAN CỦA LUẬT DƯƠNG GIA:
– Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí trên toàn quốc