Quyền và nghĩa vụ về nhân thân của vợ chồng. Quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trong quan hệ dân sự bên cạnh các quan hệ tài sản, quan hệ nhân thân là một trong hai đối tượng điều chỉnh chủ yếu của pháp luật dân sự và là một loại quan hệ mang tính xã hội sâu sắc, rộng lớn, phản ánh sự phát triển và tiến bộ của xã hội. Một quan hệ pháp luật dân sự nói chung gồm ba yếu tố: chủ thể, khách thể và nội dung. Trong đó nội dung là yếu tố cơ bản nhất để phân loại quan hệ đó là quan hệ nhân thân hay tài sản.
Nội dung của quan hệ pháp luật gồm các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ đó. Do vậy quyền nhân thân chính là một nội dung của quan hệ pháp luật dân sự về nhân thân. Điều 24 Bộ luật dân sự (BLDS) 2005 quy định: “Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Quy định này đã nêu lên khái niệm về quyền nhân thân thông qua hai đặc điểm cơ bản là: gắn liền với cá nhân, không chuyển dịch. Vậy nghĩa vụ và quyền nhân thân của vợ chồng là gì và được quy định như thế nào?
Thứ nhất, căn cứ phát sinh quan hệ giữa vợ và chồng là sự kiện kết hôn theo đó quyền và nghĩa vụ phát sinh giữa vợ và chồng được xác lập. Quyền và nghĩa vụ nhân thân, tài sản được xác lập khi hôn nhân đó được nhà nước thừa nhận theo
– Quyền và nghĩa vụ gắn liền với nhân thân mỗi chủ thể, không thể chuyển dịch cho người khác
– Quyền và nghĩa vụ nhân thân trong nhiều trường hợp chi phối quyền và nghĩa vụ về tài sản
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng thể hiện mỗi liên hệ tình cảm giữa vợ và chồng.
Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về tình nghĩa vợ chồng:
“1. Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
2. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.”
Nghĩa vụ yêu thương, chung thủy, quan tâm, chăm sóc nhau được điều chỉnh bằng các nguyên tắc đạo đức, truyền thống và theo phong tục, tập quán của người Việt Nam rồi sau đó được nâng dần lên thành luật. Vi phạm những quy tắc đạo đức chỉ bị xã hội lên án, vi phạm các quy tắc pháp luật sẽ bị xử phạt theo quy định.
Về nghĩa vụ chung sống, có thể hiểu rằng hôn nhân trước hết là cuộc sống chung giữa người đàn ông và người phụ nữ: chung nhà, chung bàn ăn và chung chăn gối. Tất nhiên, vợ và chồng không nhất thiết phải ở chung, ăn chung, ngủ chung một cách liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân; song, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác.
Thứ ba, các quyền và nghĩa vụ nhân thân thể hiện tính dân chủ, bình đẳng giữa vợ, chồng:
Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn chỗ ở, nơi cư trú theo Điều 20 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.”
Vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn tín ngưỡng: Vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau
Ngoài ra, vợ chồng còn có quyền bình đẳng trong việc lựa chọn việc làm, tham gia vào công tác xã hội theo quy định tại Điều 23 Luật hôn nhân và gia đình: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.”
Vậy quan hệ pháp luật hôn nhân và gia đình chủ yếu là các quan hệ nhân thân mang tính chất lâu dài, bền vững được nhà nước quy định cụ thể, chặt chẽ và phù hợp trong Luật hôn nhân và gia đình 2014.