Hiện nay, nhiều người quan tâm về việc sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ có hợp pháp không. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia đưa ra những thông tin liên quan cung cấp cho bạn đọc về gậy tự vệ là gì? Có được sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ không?
Mục lục bài viết
1. Gậy tự vệ là gì?
Hiện nay chưa có quy định pháp luật nào đưa ra định nghĩa cụ thể về gậy tự vệ.Thực tế có thể thấy gậy tự vệ là dụng cụ sử dụng để tự vệ cho bản thân và phòng tránh những tình huống xấu có thể xảy ra như: cướp bóc, trộm cắp. giết người, hiếp dâm…
Tuy nhiên thực tế lại có một bộ phận người lạm dụng dùng làm công cụ để gây sát thương và nguy hiểm tới tính mạng, sức khoẻ cho những người xung quanh. Đó không phải là ý nghĩa của gậy tự vệ khi ra đời vì bản chất gậy tự vệ được sản xuất ra nhằm mục đích phục vụ quân đội và cảnh sát.
2. Có được sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ?
Kính chào Luật Sư. Em xin phép hỏi thăm về vấn đề sử dụng gậy 3 khúc để tự vệ (vì hiện tại xã hội không an toàn khi ra đường). Nếu sử dụng thì có bị vi phạm pháp luật hay không? Và điều kiện để sử dụng về phía bên công an khi hỏi có bị gì không? Hiện tại, em đã có gia đình và 2 con nhỏ, lý lịch của em tốt. Rất mong Luật Sư tư vấn và hỗ trợ giúp em. Em cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Gậy 3 khúc cũng chưa được định nghĩa bằng văn bản pháp luật nào. Xét theo cấu tạo, chức năng, cách sử dụng, khả năng gây sát thương cho người khác thì loại dụng cụ này được xét vào nhóm dùi cui kim loại (trừ sản phẩm được làm bằng gỗ hay cao su). Theo đó, quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có quy định:
“Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:
a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;
b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;
c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;
d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;
đ) Động vật nghiệp vụ là động vật được huấn luyện để sử dụng cho yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội;
e) Công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự là phương tiện được chế tạo, sản xuất không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có tính năng, tác dụng tương tự như công cụ hỗ trợ quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.
Như vậy, có thể thấy, bản chất gậy 3 khúc được xem là công cụ hỗ trợ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật như hành vi chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
3. Cá nhân sử dụng gậy 3 khúc có vi phạm không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017:
“Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ và công cụ hỗ trợ
1. Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
2. Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ.”
Như vậy, việc cá nhân có hành vi nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép công cụ hỗ trợ là gậy 3 khúc là hành vi bị cấm. Do đó, khi cá nhân sử dụng trái phép gậy 3 khúc là hành vi vi phạm và bị xử phạt hành chính.
Theo Khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định mức phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi này cụ thể:
“4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;
c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự;”
Mức phạt này áp dụng đố với cá nhân, còn tổ chức vi phạm thì mức phạt tăng gấp 2 lần tức phạt từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng (Khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Quy định xử phạt trên không phân biệt hoàn cảnh gia đình hay nhân thân của của người vi phạm nên dù bạn trong hoàn cảnh có vợ con và lý lịch rõ ràng mà sử dụng gậy 3 khúc thì vẫn bị xử phạt.
4. Thời hiệu xử phạt hành vi sử dụng gậy 3 khúc trái phép:
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:
Thời hiệu xử phạt là 01 năm đối với trường hợp các vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được xác định như sau:
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
+ Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập
Theo đó, thời hiệu để xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng gậy 3 khúc trái phép được tính là 01 năm.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
– Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.