Trường hợp vay tiền, mượn tiền trong quan hệ dân sự. Pháp luật quy định như thế nào là vay tiền? Như thế nào là mượn tiền?
Vay tiền – mượn tiền là hai khái niệm mà nhiều người thường xuyên nhần lẫn. Vậy khi nào là vay tiền, khi nào thì được gọi là mượn tiền?
Theo quy định tại Điều 163 Bộ luật dân sự thì:
“Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.
Như vậy vay tiền chính là vay tài sản, mượn tiền cũng chính là mượn tài sản.
Về quyền sở hữu đối với tài sản, nếu đó là tài sản vay thì bên vay sẽ trở thành chủ sở hữu tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó. Nếu đó là tài sản mượn thì quyền sở hữu tài sản vẫn sẽ thuộc về bên cho mượn, bên mượn chỉ được sử dụng tài sản đó để nhằm đạt được mục đích nhất định của mình.
Về nghĩa vụ của bên vay hay bên mượn, Bộ luật dân sự quy định:
“Điều 474. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Trong trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4. Trong trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi đối với khoản nợ chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điểm trả nợ, nếu có thoả thuận.
5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”
“Điều 514. Nghĩa vụ của bên mượn tài sản
Bên mượn tài sản có các nghĩa vụ sau đây:
1. Giữ gìn, bảo quản tài sản mượn như tài sản của chính mình, không được tự ý thay đổi tình trạng của tài sản; nếu tài sản bị hư hỏng thông thường thì phải sửa chữa;
2. Không được cho người khác mượn lại, nếu không có sự đồng ý của bên cho mượn;
3. Trả lại tài sản mượn đúng thời hạn; nếu không có thoả thuận về thời hạn trả lại tài sản thì bên mượn phải trả lại tài sản ngay sau khi mục đích mượn đã đạt được;
4. Bồi thường thiệt hại, nếu làm hư hỏng, mất mát tài sản mượn.”
Theo những quy định trên của pháp luật, nếu là vay tài sản thì quyền sở hữu tài sản đó sẽ bị thay đổi kể từ thời điểm bên vay nhận tài sản đó. Và người vay sẽ có nghĩa vụ trả lại tài sản khác cùng loại với tài sản đã vay, nếu là tiền thì phải bằng số tiền đã vay và có thể có lãi kèm theo. Nếu là mượn tài sản thì quyền sở hữu tài sản sẽ không bị thay đổi. Người mượn tài sản sẽ phải có nghĩa vụ hoàn trả lại đúng vật mà mình đã mượn, không được thay thế bằng một vật cùng loại khác nếu không sẽ phải bồi thường thiệt hại.
>>> Luật sư
Như vậy để xác định là vay tiên hay mượn tiền phải căn cứ vào thỏa thuận của các bên. Nếu là vay tiền thì quyền sở hữu đối với khoản tiền đó sẽ thuộc về người vay và khi đến hạn trả, người vay chỉ phải trả một khoản tiền đúng bằng số tiền đã vay (có thể có lãi kèm theo) mà không phải là đúng những tờ tiền đã vay (đúng số sơ-ri, năm sản xuất…). Nếu là mượn tiền thì quyền sở hữu với số tiền đó sẽ không thay đổi và khi đến hạn trả, người mượn phải trả lại cho người cho mượn đúng những tờ tiền mà mình đã mượn, bao gồm đúng năm sản xuất, số sơ-ri… đúng tình trạng của tài sản.
Việc xác định là vay tài sản hay mượn tài sản, vay tiền hay mượn tiền sẽ xác định được quyền cũng như nghĩa vụ của các bên. Vì thế cần phải phân biệt rõ ràng giữa vay và mượn.