Quy định pháp luật về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ưu và nhược điểm của các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Khi có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ, việc xác định biện pháp nào sẽ được áp dụng để bảo vệ quyền sở hữu dựa vào hai yếu tố: một là sự lựa chọn của người bị xâm phạm; hai là tính chất, mức độ xâm phạm. Các biện pháp mà chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể áp dụng khi có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:
Thứ nhất, biện pháp tự bảo vệ. Biện pháp này được quy định cụa thể tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ. Với biện pháp này chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền tự mình áp dụng các biện pháp như: áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại…
Ưu điểm của biện pháp này là việc thực hiện biện pháp tự bảo vệ thể hiện sự chủ động trong việc áp dụng các biện pháp áp dụng, cách thức giải quyết…mà không phụ thuộc vào các thủ tục, nó giúp cho việc giải quyết được nhanh chóng, đỡ tốn kém thời gian và tiền bạc cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ vì không phụ thuộc vào sự cho phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, biện pháp này còn bảo mật được thông tin liên quan đến quá trình giải quyết vụ án.
Hạn chế của biện pháp này đó là sự thực hiện yêu cầu của bên bị xâm phạm có khả thi hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác của bên xâm phạm. Đồng thời biện pháp này cũng không mang tính cưỡng chế bắt buộc.
Thứ hai, biện pháp hành chính. Biện pháp này là biện pháp do cơ quan có thẩm quyền thực hiện xử lý các hành vi vi phạm hành chính các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 200 Luật Sở hữu trí tuệ. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử lý hành chính hiện nay được quy định tại Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 99/2013/NĐ-CP và Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Ưu điểm của biện pháp này đó là thủ tục đơn giản, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Có hiệu quả khi muốn chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, bảo vệ được lợi ích của người tiêu dùng.
Hạn chế của biện pháp này chế tài xử phạt còn nhẹ có thể không đủ sức dăn đe các hành vi xâm phạm tương tự. Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khó có thể đòi được bồi thường thiệt hại đối với chủ thể có hành vi xâm phạm.
Thứ ba, biện pháp hình sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự. Theo quy định tại Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ thì:
“Cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hình sự”.
Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại các Điều 156, 157, 158,162, 170, 171, 271 Bộ Luật Hình sự.
Ưu điểm của biện pháp này đó là: chấm dứt một cách dứt khoát hành vi xâm phạm, có thể dăn đe các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý khác tương tự, có cơ chế cưỡng chế thi hành quyết định hiệu quả.
Hạn chế của biện pháp này đó là thủ tục tố tụng kéo dài, không giữ được bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc. Trên thực tế hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hình sự còn nhiều hạn chế từ quy định của pháp luật hình sự.
>>> Luật sư
Thứ tư, biện pháp dân sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng hiện pháp hành chính hoặc hiện pháp hình sự. Theo quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ thì các biện pháp dân sự bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.
Ưu điểm của biện pháp này đó là đây là biện pháp thể hiện bản chất dân sự của quan hệ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, là biện pháp xử lý triệt để hành vi xâm phạm, có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại một cách kịp thời đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Với biện pháp này, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể đòi được tiền bồi thường đối với chủ thể có hành vi xâm phạm thông qua cơ quan thi hành án dân sự.
Hạn chế của biện pháp này đó là tốn kém thời gian, chi phí vì thủ tục phức tạp và chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh.
Từ những phân tích trên đây có thể thấy mỗi biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Tùy vào từng trường hợp chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ nên chọn biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước hành vi xâm phạm.